Đi bộ hơn 10.000 bước/ngày có thể giảm nguy cơ mắc đái tháo đường
(Báo Sức khoẻ & Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế)
SKĐS - Những người có số bước chân trung bình hàng ngày là 10.700 có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 thấp hơn 44% so với những người có 6.000 bước.
Theo một phân tích mới về dữ liệu Chương trình Nghiên cứu All of Us của Viện Y tế Quốc gia Mỹ được công bố trên Tạp chí Nội tiết Lâm sàng & Chuyển hóa (Hiệp hội Nội tiết Mỹ), các thiết bị thể dục có thể đeo đã cung cấp những hiểu biết mới về mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và bệnh đái tháo đường loại 2.
Bệnh đái tháo đường loại 2 là dạng bệnh phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 90% đến 95% người mắc bệnh đái tháo đường. Ở bệnh đái tháo đường loại 2, cơ thể đề kháng với hoạt động của insulin, nghĩa là nó không thể sử dụng insulin đúng cách, vì vậy nó không thể mang đường vào tế bào.
Bệnh đái tháo đường loại 2 thường phát triển ở những người trên 45 tuổi, nhưng ngày càng có nhiều trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên được chẩn đoán mắc bệnh này.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 97 trường hợp mắc bệnh đái tháo đường mới trong thời gian theo dõi 4 năm trong bộ dữ liệu.
Theo đó, những người có số bước trung bình hàng ngày là 10.700 có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 thấp hơn 44% so với những người có 6.000 bước.
Đi bộ hơn 10.000 bước/ngày tốt cho sức khỏe, giảm nguy cơ mắc đái tháo đường.
Một nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học đến từ Đại học Seville, Tây Ban Nha cho biết, đi bộ hơn 10.000 bước/ngày giảm nguy cơ tử vong ở người bệnh đái tháo đường. Nghiên cứu này đã đánh giá 1.700 người Mỹ bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.
Kết quả cho thấy, đi bộ khoảng 10.000 bước mỗi ngày là tốt nhất để giảm nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào đối với những người bị tiền đái tháo đường và đái tháo đường.