2.1. BỆNH VỀ KHÍ VÀ HUYẾT
2.1.1 BỆNH VỀ KHÍ
2.1.1.1 BÀI BỔ TRUNG ÍCH KHÍ:
2.1.1.1.1 Thành phần:
Hoàng kỳ 15g, Nhân sâm 10 g, Trần bì 6g; Bạch truật10g, Đương quy 10g; Thăng ma 3g; Cam thảo (sao) 5g; Sài hồ 3g; Sinh khương 3 lát, Đại táo 2 quả. Trong nhiều tài liệu mới, thường thay Nhân sâm bằng Đảng sâm.
2.1.1.1.2 Chủ trị:
1. Tỳ vị khí hư, người nóng ra mồ hôi, khát, mệt nhọc. chân tay yếu, sắc mặt trắng bệch, ia lỏng, mạch hư hồng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng;
2. Khí hư hạ hãm: Lòi dom, sa dạ con, ỉa lỏng mạn, lỵ mạn, sốt rét mạn.
2.1.1.1.3 Phân tích:
Hoàng kỳ phối ngũ với Sâm, Truật, Thảo để kiện tỳ ích khí, với Quy để bổ huyết, với Thăng, Sài để thăng thanh khí bị hãm ở dưới.
2.1.1.1.4 Gia giảm:
- Huyết không đủ, tăng Đương quy;
- Tinh thần kém sút, bội Nhân sâm, gia Ngũ vị;
- Buốt óc gia Cảo bản, Tế tân;
- Nhức đầu gia Màn kinh, đau lắm thêm Xuyên khung;
- Bụng trướng vượt, gia Chỉ thực, Sa nhân, Hậu phác, Mộc hương;
- Vị lạnh, khí trệ gia Thảo đậu khấu, Mộc hương, Ích trí;
- Mùa đông sợ lạnh, phát nhiệt, không có mồ hôi, mạch Phù và Khẩn, gia Ma hoàng, Quế chi. Nếu có mồ hôi, mạch phù và hoãn gia Quế chi, Thược dược;
- Phế nhiệt ho khạc, bỏ Nhân sâm, gia Tang bạch bì. Họng khô gia Cát căn;
- Nếu cảm mạo, đau khắp mình, gia Phòng phong, Khương hoạt. Nếu có đờm gia Bán hạ, Sinh khương;
- Nhức đầu và có đờm, thân thể nặng nề gia Bán hạ, Thiên ma;
- Bụng đau, tăng Cam thảo gấp đôi và gia Bạch thược. Nếu sợ lạnh, đau lạnh, gia Quế; Sợ nóng, ưa uống thuốc mát, bỏ Quế, gia Hoàng liên;
- Đau ở sườn hoặc đau rút ở xương cụt, giảm Thăng ma, gia Bạch thược;
- Đau ở cuống họng gia Quế. Nếu có hàn, thêm Phụ tử;
- Chứng ho khạc, nếu mùa xuân gia Khoản đông hoa, mùa hạ gia Mạch môn, Ngũ vị, mùa thu gia Ma hoàng và Hoàng cầm, mùa Xuân gia Ma hoàng;
- Thấp khí nhiều hơn gia Thương truật;
- Có âm hoả gia Hoàng bá, Tri mẫu;
- Đại tiện bí gia Đại hoàng (tẩm rượu, sao);
- Tiết tả, bỏ Đương quy, gia Phuc linh, Thương truật, Ích trí;
- Sợ lạnh, lạnh nhiều gia Can khương, Phụ tử;
- Khí trệ, đau nhiều ở eo lưng, bội Thăng ma;
- Tỳ hư, đại tiện lỏng, bỏ Đương quy, gia Bạch thược, Phục linh;
- Tỳ hư ăn vào không tiêu, mà không phải do tiên thiên hoả hư, dùng Bach truật gấp đôi, gia Can khương, Phụ tử;
- Từ quá trưa về chiều phát sốt nóng, bụng hư trướng là do hậu thiên không chứa được hỏa, gia Phụ tử, Ngũ vị;
- Đại tiện khô và rắn, tiểu tiện ít và đỏ, miệng nhạt và lở, trong bụng nóng, ăn nhiều chóng đói, hay uống nước vặt gia Mạch môn, Ngũ vị và thêm Thục địa sao khô liều lượng gấp đôi;
- Những người hư mà cảm mạo, không thể phát hãn, tuyệt đối không dùng phong dược. Nếu muốn có mồ hôi, dùng Hoàng kỳ tẩm rượu sao, Bạch truật tẩm mật và rượu sao, lại gia thêm 1 ít Phụ tử để giúp phần khí hoá. Muốn cho mồ hôi không ra nữa thì giảm Đương quy, gia Bạch thược, Ngũ vị;
- Người hư vừa mà cảm mạo, lại kèm thêm chứng nội thương về ăn uống, nếu muốn phát hãn thì dùng Hoàng kỳ sống (rửa rượu) và Truật không sao;
- Ngược tật (sốt rét, rét nhiều) nên dùng Nhân sâm gấp đôi và gia một ít Phụ tử; Nếu phát sốt nhiều dùng Đương quy gấp đôi và gia thêm ít Nhục quế và một ít Bán hạ. Nhưng đều dùng Hà thủ ô làm chủ dược và gia Gừng nướng, Đại táo, Thường sơn, Thảo quả thì hiệu quả rất nhanh chóng;
- Người cảm mạo, nếu không chịu được thuốc biểu tán, hoặc bị “Phòng lao” lại làm việc quá sức mà bị cảm mạo, nên gia Phụ tử nếu sợ lạnh hoặc gia Chi tử nếu sợ nóng;
- Ăn uống không tiêu, đại tiện táo kết không nên dùng bài Tứ quân gia các vị hành trệ, cũng không nên dùng Lục vị gia thêm thuốc hoạt huyết để nhuận táo mà nên dùng bài Bổ trung bội nhiều Thăng, Sài, gia Mộc hương để thăng đề dương khí.
2.1.1.1.5 Những chứng bệnh thích hợp với bài Bổ trung:
Bài Bổ trung thích ứng với chứng Dương hư mà phát nhiệt, người vốn hư mà bị cảm mạo, cụ thể một số chứng bệnh như sau:
- Người hư yếu mà bị cảm mạo;
- Vì làm lụng vất vả mà sinh bệnh mà không có một chút ngoại cảm nào;
- Người hư yếu bị thương thực (bệnh do ăn uống) nên gia thêm thuốc tiêu đạo;
- Người mới ốm khỏi, vì làm việc nặng nhọc (hoặc giao hợp) mà ốm lại;
- Các chứng “hạ thoát”, “hạ hãm” như tiết tả, đi tháo hoặc ra như tháo nước, hoặc bị kiết lỵ lâu ngày mà bị lòi rom, đi đái vặt luôn, truỵ thai, băng huyết, sau đẻ bị sa dạ con…;
2.1.1.1.6 Những bệnh cấm không dùng bài Bổ trung:
- Những chứng đờm, nôn oẹ phát sinh tại Thượng tiêu và những chứng thấp nhiệt, thương thực, đấy chướng ở trung tiêu;
- Nhiệt lỵ mới phát sinh mà đã “lý cấp hậu trọng”;
- Các chứng về thấp nhiệt;
- Dùng cho trẻ em phải thận trọng vì còn thuần dương;
- Người nguyên âm trong Vị hư;
- Người bị mồ hôi cứ ra mãi không cầm được;
- Người không có biểu tà mà do âm hư phát nhiệt;
- Người dương khí đã mất nơi căn bản mà phát sinh chứng “đái đường” hoặc “cách dương”;
- Người tỳ, phế yếu mà thở gấp và suyễn;
- Người mệnh môn hoả suy mà hư hàn, ỉa chảy mãi không cầm;
- Người thuỷ kém, hoả bốc mà sinh thổ huyết và nục huyết;
- Người tay chân giá lạnh, dương khí muốn thoát;
- Người trung khí hư yếu quá, biến thành nhiều tạp chứng.
2.1.1.1.7 Biến pháp của bài Bổ trung:
1. Sâm truật ích vị thang:
Dùng Thương truật thay Bạch truật, liều gấp đôi, gia Bán hạ, Hoàng cầm, Ích trí mỗi thứ 2g
Chữa chứng nội thương mệt nhọc, tỏa nhiệt, hơi nóng, miệng khát, ăn không ngon, đại tiện lỏng nát.
2. Thăng dương thuận khí thang:
Bài Bổ trung bỏ Bạch truật gia Thảo đậu khấu, Thần khúc, Bán hạ, Hoàng bá.
Chữa chứng do ăn uống và làm lụng quá độ mà sinh bụng đầy, khó chịu, hơi ngắn, không muốn ăn, thỉnh thoảng sợ lạnh.
3. Ích vị thăng dương thang:
Bài Bổ trung gia Hoàng cầm và Thần khúc.
Chữa đàn bà kinh nguyệt không đều, hoặc sau khi bị thoát huyết, ăn ít và ỉa chẩy.
4. Bổ trung Hoàng bá Mẫu đơn thang:
Bài Bổ trung bỏ thăng ma gia Hoàng bá, Mẫu đơn, bội Sài hồ, gia Bạch thược tẩm đồng tiện sao
Chữa chứng âm hoả lấn lên dương, phát sốt ngày nặng.
5. Thuận khí hoà trung thang:
Bài Bổ trung gia Bạch thược, Tế tân, Xuyên khung, Màn kinh.
Chữa chứng thanh dương không thăng lên, phát sinh nhức đầu, sợ gió; mạch huyền, vi, tế.
6. Điều dinh dưỡng vệ thang:
Bài Bổ trung gia Khương hoạt, Phòng phong, Tế tân, Xuyên khung.
Chữa bệnh mệt nhọc bị thương hàn, đầu nhức, mình sốt, ghê rét, hơi khát, mồ hôi ra, mình đau, mạch phù, không sác.
7. Điều vinh ích khí thang:
Bài Bổ trung bỏ Đương quy và Bạch truật, gia Mộc hương và Thương truật.
Chữa chứng Tỳ vị không điều, ngực đầy, chân tay mỏi, ăn ít, ăn không biết ngon, hơi ngắn, chứng ăn vào lại thổ ra.
8. Điều trung ích khí thang:
Bài Bổ trung gia Bạch thược, Ngũ vị.
Chữa chứng khí hư ra nhiều mồ hôi.
2.1.1.2 BÀI TỨ QUÂN TỬ THANG:
2.1.1.2.1 Thành phần:
Nhân sâm 12g, Bạch truật 12g, Phục linh 8g, Cam thảo 4g.
2.1.1.2.2 Công dụng: Ích khí kiện tỳ.
2.1.1.2.3 Chủ trị: Tỳ vị khí hư, mặt bệch, tiếng nói nhỏ, yếu, chân tay không có sức, ăn ít, ỉa sột sệt, lưỡi nhạt, mạch tế hoãn.
2.1.1.2.4 Phân tích:
Nhân sâm đại bổ nguyên khí, kiện tỳ dưỡng vị. Bạch truật kiện tỳ táo thấp. Phục linh thẩm thấp kiện tỳ. Cam thảo điều hoà trung tiêu.
2.1.1.2.5 Gia giảm:
- Tay chân không cất lên được: gia Trần bì, mạch môn, Bán hạ, Trúc lịch;
- Sợ sệt không ngủ được gia Táo nhân, Sinh khương;
- Tiêu khát không ăn được gia Mộc hương, Hoắc hương, Cát căn, Sài hồ, Ngũ vị;
- Liệt nửa người về bên phải với chứng “đởm”, chứng “quyết” chết ngất, gia Trần bì, Bán hạ, Trúc lịch, nước gừng;
- Dương hư gia Phụ tử;
- Thổ tả gia Hoắc hương, Trần bì, Biển đậu;
- Nội thương đàm ẩm, choáng váng hoa mắt, nước ứ đọng không tiêu được: bỏ Sâm, giảm Cam thảo, gia Nhục quế; Tiết tả vẫn không khỏi, gia Kha tử, Đậu khấu;
- Tỳ vị hư yếu gia Nhục quế, Đương quy, Hoàng kỳ;
- Dạ dày lạnh gia Phụ tử, Đinh hương, Sa nhân;
- Tỳ yếu, ngắn hơi gia Mộc hương, Sa nhân, bội Nhân sâm gấp 2 lần;
- Bụng trướng không muốn ăn, gia Bạch đậu khấu, Chỉ thực, Sa nhân;
- Bệnh chứng thuộc thực, vòng ngực đấy tức, thở suyễn: gia Chỉ thực, Bán hạ, Chỉ xác;
- Ho gia Tang bạch bì, Ngũ vị, Hạnh nhân;
- Tâm phiền không yên gia Táo nhân, Viễn chí;
- Tâm phiền, miệng khát: Nhân sâm dùng gấp đôi và gia Hoàng kỳ;
- Chỉ có tâm phiền, gia mạch môn, Phục linh, Liên nhục;
- Đau bụng do khí gia Tiểu hồi, Huyền hồ, Đương quy;
- Khí kết lại thành hòn hoặc đau do huyết: gia Tam lăng, Nga truật, Hồi hương, Phụ tử;
- Đau bụng do lạnh hoặc đau do huyết gia Can khương, Xích thược, Nhục quế;
- Khí hư thành nuy (tay chân rã rời, lỏng gân, đi đứng khó khăn), gia Thương truật, Hoàng bá, Hoàng cầm (hoặc chứng thấp cũng dùng được);
- Ngoại cảm nóng rét, gia Ma hoàng, Quế chi;
- Cảm mạo trong 3 mùa Xuân, Hạ, Thu: gia Phòng phong, Khương hoạt;
- Phong nhiệt gia Kinh giới, Hoàng cầm, Bạc hà;
- Bổ dưỡng sau ốm mới khỏi gia Trần bì;
- Triều nhiệt (sốt nóng theo cơn): gia Tiểu hồi, Xuyên khung; Khát nước hoặc chứng thấp nhiệt miệng khát gia Mộc qua, Cát căn, Ô mai;
- Tiểu tiện không thông gia Trạch tả, Mộc thông, Trư linh;
- Đại tiện không thông gia Binh lang, Đại hoàng;
- Sau khi ốm dậy mắc chứng hư nhiệt gia Thăng ma, Sài hồ, Đương quy;
- Trẻ em phong đờm gia Phụ tử chế, Toàn yết, Tế tân;
- Trẻ em yếu đuối, sắc xanh, dương hư, sau khi bị thổ tả biến thành “mạn kinh”, gia Mộc hương;
- Hư trướng, hư bĩ phát sinh bởi bên trong bị lạnh: tăng Bạch truật lên gấp đôi, thêm 1 ít Gừng nướng, Phụ tử;
- Có khí trệ, gia Mộc hương;
- Tỳ hư, khí không thu liễm được, gia Ngũ vị, Đại phụ;
- Trướng, bĩ phát sinh từ âm phận là do Tỳ âm hư, gia Đương quy, Bạch thược và Ngũ vị.
2.1.1.2.6 Biến pháp của bài Tứ quân:
1. Dị công tán:
Bài Tứ quân gia Trần bì. Có tác dụng điều lý tỳ vị, làm tan nghịch khí.
2. Lục quân tử thang:
Bài Tứ quân gia Trần bì, Bán hạ. Chữa chứng khí hư có đờm, hoặc Cổ trướng (bụng to như cái trống), ăn ít.
3. Hương sa lục quân tử thang:
Bài Tứ quân gia Trần bì, Hương phụ và Sa nhân. Chữa chứng hư làm đau dạ dày, đau bụng, ỉa chẩy
4. Thập toàn nhân sâm tán:
Bài Tứ quân gia Trần bì, Bán hạ, Sài hồ, Cát căn, Hoàng cầm và Bạch thược. Chữa hư nhiệt, sốt nóng theo cơn và cơ thể mệt mỏi.
5. Tứ thú ẩm:
Bài Tứ quân gia Trần bì, Bán hạ, Ô mai, Thảo quả, thêm Đại táo 3 quả, Gừng sống 3 lát. Chữa chứng 5 tạng khí hư, 7 tính dồn dập, kết tụ thành đàm ẩm thành chứng Ngược tật (Sốt rét ác tính) và Chướng tật (Sốt rét ngã nước).
6. Lục quân tử tiễn:
Bài Tứ quân gia Hoàng kỳ, Sơn dược. Để điều dưỡng sau khi ốm dậy cho khoẻ tỳ, ngon ăn. Gia Táo nhân, Sinh khương chữa chứng sợ sệt không ngủ được, gia Trúc lịch, Khương trấp chữa chứng nửa người bên phải bị liệt.
7. Thất vị bạch truật tán:
Bài Tứ quân gia Mộc hương, Hoắc hương, Cát căn. Chữa Tỳ hư, da thịt nóng, tiết tả hư nhiệt và khát nước.
Gia Ngũ vị, Sài hồ để chữa chứng tiêu khát.
8. Tứ thuận thang:
Bài Tứ quân gia Can khương, bỏ Phục linh. Chữa chứng dương hư, mạch Trầm, không có nhiệt, sợ ánh sáng, đau bụng, kiết lỵ.
9. Tam bạch thang:
Bài Tứ quân gia Bạch thược, bỏ Sâm. Chữa các chứng nội thương, ngoại cảm rất hay.
10. Lục thần tán:
Bài Tứ quân gia Hoài sơn, Biển đậu, Đại táo và Sinh khương. Chữa trẻ em khi biểu nhiệt (sốt) đã khỏi, ít lâu lại phát nhiệt.
Nếu nhiệt nhiều, gia Thăng ma, Tri mẫu, gọi là Ngân bạch thang.
II.1.1.2.7 Những bệnh cấm không dùng bài Tứ quân:
- Chứng âm hư hoả động lại ăn uống kém sút, nếu thể bệnh cần phải dùng bài này thì Bạch linh nên tẩm sữa, Bạch truật nên tẩm mật, mà chỉ uống tạm thôi;
- Trẻ em hình thể gầy còm, đen sạm, đơn nhiệt hầm hập, màu da vàng úa, tân dịch khô kiệt, bụng nóng, ăn chóng tiêu, mình như que củi, khát nước, phân táo, khóc không có nước mắt…là âm hư, không nên dùng bài này.
2.1.1.3 BÀI TỨ VẬT THANG:
2.1.1.3.1 Thành phần:
Đương quy 10g. Bạch thược 12g, Thục địa (hoặc Sinh địa) 12g, Xuyên khung 6g.
Ghi chú: Nếu muốn bổ huyết nhiều hơn, dùng Thục địa, Nếu muốn mát huyết dùng Sinh địa.
II.1.1.3.2 Công dụng: Bổ huyết, Điều huyết
II.1.1.3.3 Chủ trị: Xung nhân hư tổn; Kinh nguyệt không điều hoà, đau bụng vùng rốn, rong kinh, băng kinh, Huyết hà thành cục, lúc đau, lúc không. Động thai ra huyết hoặc sau khi đẻ huyết hôi không ra, kết lại ở bụng dưới cứng đau, phát sốt, phát rét.
II.1.1.3.4 Phân tích: Đương quy bổ huyết, hoạt huyết; Thục địa bổ huyết; Xuyên khung lý khí ở trong huyết; Bạch thược để liễm âm dưỡng huyết.
II.1.1.3.5 Gia giảm:
- Huyết nhiệt, muốn mát huyết: ở Tâm gia Hoàng liên, ở Can gia Hoàng cầm, ở Đởm gia Hoàng liên, ở Bàng quang gia Hoàng bá, ở Tỳ gia Sinh địa, ở Vị gia Đại hoàng, ở Tam tiêu gia Địa cốt bì, ở Tâm bào lạc gia Đơn bì, ở Tiểu trường gia Sơn chi, Mộc thông;
- Muốn cho mát khí ở Tâm và Bào lạc gia Bạch đông, ở Phế gia Chỉ xác, ở Can gia Sài hồ và Thanh bì, ở Tỳ gia Bạch thược, ở Vị gia Cát căn, Thạch cao, ở Đại trường, Tam tiêu gia Liên kiều, ở Tiểu trường gia Xích phục linh, ở Bàng quang gia Hoạt thạch;
- Người bị lao tâm và tình dục quá độ hại đến chân âm, thành chứng âm hư hoả vượng, gia Tri mẫu, Hoàng bá;
- Huyết hư gia Quy bản;
- Huyết ứ gia Đào nhân, Hồng hoa, Lá hẹ vắt nước cho vào thuốc;
- Bạo huyết (bỗng nhiên thổ huyết hoặc hạ huyết rất nhiều): gia Huyền sâm, Bạc hà;
- Huyết ra mãi không dứt, gia Bồ hoàng sao. Nếu vẫn chưa khỏi, gia Thăng ma;
- Người béo có đớm: gia Bán hạ, Nam tinh, Quất hồng;
- Người gầy có đờm gia Chi tử sao, Tri mẫu, Hoàng bá;
- Chứng uất gia Mộc hương, Sa nhân, Thương truật, Thần khúc;
- Huyết trệ gia Hồng hoa, Đào nhân, Huyền hồ, Nhục quế;
- Khí hư gia Nhân sâm, Hoàng kỳ;
- Khí thực gia Chỉ xác;
- Chứng phong gia Khương hoạt, Phòng phong;
- Huyết táo gia Thiên môn đông;
- Huyết hư, bụng đau, hơi có mồ hôi, sợ gió: gia Nhục quế;
- Âm hư hoả động gia Tri mẫu, Hoàng bá;
- Khí hư nằm, dậy khó khăn mà nguyên nhân gây bởi uất trệ, gia Hậu phác, Trần bì;
- Sốt nóng, phiền táo, không ngủ được gia Hoàng liên, Chi tử;
- Các chứng âm hư bỏ xuyên khung, bội Bạch thược;
- Hư hàn, mạch vi, nước tiểu trong, tự ra mồ hôi, hơi thở khó khăn, gia Can khương, Phụ tử;
- Trúng thấp, cơ thể nặng nề, sức yếu, mình mát, hơi có mồ hôi gia Bạch truật, Phục linh;
- Khí huyết dồn lên tâm phúc, bụng trên dưới sườn đầy tức gia Binh lang, Mộc hương;
- Dưới khoảng rốn lạnh, bụng đau, eo lưng đau tức, gia Khổ luyện, Huyền hồ;
- Cảm lạnh gia Sài hồ, Địa cốt, Phục linh, Cam thảo, Hoàng cầm, Tần giao;
- Nóng rét cơn về chiều gia Sài hồ, Địa cốt, Phục linh, Cam thảo, Hoàng cầm, Tần giao; Cảm lạnh hợp vói bài Sâm tô ẩm, có sốt cơn, gia Hoàng cầm, Địa cốt, Sài hồ;
- Chứng huyết phong, đau ở hai bên sườn như dùi đâm, hoặc trong bụng kết thành hòn, gia Đại hoàng, Tất bát, Nhũ hương;
- Huyết yếu sinh phong, tay chân tê đau, đi lại khó khăn, gia Nhân sâm, Một dược, Nhũ hương, Xạ hương, Cam thảo, Ngũ linh chi, Khương hoạt, Độc hoạt, Phòng phong, Kinh giới, Địa long, Nam tinh, Phụ tử, Trạch lan. Hoàn làm viên, chiêu bằng nước muối loãng;
- Nôn oẹ không ăn uống được, gia Bạch truật, Đinh hương, Chích thảo, Nhân sâm, Sa nhân, Ích trí, Hồ đào;
- Ho khạc gia Tang bạch bì, Bán hạ, Nhân sâm, Ngũ vị, Sinh khương, Cam thảo;
- Sốt nóng về chiều, gầy còm gia Sinh khương, Bạc hà;
- Thuỷ đọng dưới tâm, nếu có thổ nghịch gia Trư linh, Phục linh;
- Trường phpng hạ huyết gia Hoè giác, Hoè hoa, Chỉ xác, Kinh giới, Hoàng cầm, Đại phúc bì, Bạch kê quan hoa. Tán nhỏ, hoà với nước muối loãng uống;
- Các chứng thấp đau, gia Bạch truật làm quân, Thiên ma, Phục linh, Xuyên sơn giáp làm tá, sắc lẫn với rượu;
- Chân sưng đau, gia Đại phúc bì, Xích tiểu đậu, Phục linh bì và Sinh khương bì;
- Gân xương và các khớp đau nhức không thể chịu được, bỏ Thục địa, gia Can khương;
- Muốn bổ huyết cho khỏi băng huyết, gia Bách thảo sương, Bồ hoàng, Long cốt;
- Muốn trừ bỏ huyết hư hỏng sinh huyết mới, gia cam thảo 12g, tán bột làm viên, thang bằng dấm thanh;
- Mắc bệnh thương hàn sau khi hãn và hạ, ăn uống kém sút mà huyết hư, hợp vời bài Tứ quân;
- Kinh nguyệt sẫm đen, mạch sác hoặc thấy trước kỳ là nhiệt, gia Hoàng cầm, Hoàng liên;
- Kinh nguyệt sắc nhạt là huyết hàn, gia Quan quế và Phụ tử chế;
- Kinh nguyệt không đều, đau nhiều phía dưới rốn, gia Hoàng kỳ, bội Bạch thược;
- Kinh nguyệt sắp tới kỳ, bụng đau như thắt là huyết sáp, gia Huyền hồ, Mộc hương, Binh lang, Khổ luyện tử (giã nát và sao đen);
- Bụng đau, kinh nguyệt không đều, hành kinh khó, Thục địa tăng lên gấp đôi và gia nhiều Quế tâm;
- Kinh nguyệt rong như tháo, nếu mạch sác là nhiệt, gia Hoàng cầm, Hoàng liên, nếu mạch trì, huyết nhạt là hàn, gia Nhục quế, Phụ tử;
- Kinh nguyệt không đều, hoặc nhiều, hoặc ít, hoặc trước hoặc sau, nôn oẹ, bụng to, gia Trần bì, Hoàng kỳ;
- Kinh nguyệt ứ trệ, bụng đau, gia Nga truật, Quan quế và Ngũ linh chi;
- Kinh bế, gia Chỉ xác, Đại hoàng, Mộc thông, Sơn chi, Sa tiền, Kinh giới;
- Kinh bế lâu ngày gia Nhục quế, Cam thảo, Hoàng kỳ, Khương hoàng, Mộc thông, Hồng hoa;
- Kinh ra đầm đìa mãi không sạch, hoặc nhiều hoặc ít hoặc trắng hoặc đỏ hoặc rong, gia Hoàng kỳ, Bách diệp, A giao, Cam thảo, Tục đoạn;
- Có thai bị thương hàn, trúng phong, lý hư tự ra mồ hôi, nhức đầu, cổ cứng, mình nóng, sợ lạnh, gia Quế chi, Địa cốt bì;
- Có thai bị thương hàn, trúng phong thấp, mình nóng, đầu nhức gia Phòng phong, Thương truật;
- Có thai bị thương hàn, thấp độc,mình phát ban, nổi mẩn từng đám đỏ, gia Thăng ma, Hoàng cầm, Sài hồ;
- Có thai bị thương hàn, đại tiện bí, tiểu tiện đỏ và đục, gia Đại hoàng, Đào nhân;
- Chứng thai lậu ra huyết, gia A giao, Ngải diệp, Cam thảo, Bồ hoàng (sao);
- Có thai bị chứng hàn, mặt xanh ủ rũ không thiết ăn uống gia Trần bì, Chỉ xác, Phục linh, Cam thảo;
- Thai động không yên, huyết ra mãi không dứt, gia A giao Ngải diệp, Thông bạch, Hoàng kỳ;
- Có thai bị ho khạc gia Chỉ xác, Cam thảo, Khoản đông hoa, Bán hạ, Mộc thông, Nhân sâm, Cát cánh, Mạch môn;
- Thai khí xông lên Can, eo lưng và chân đau, đi lại khó khăn, gia Chỉ xác, Mộc thông, Liên kiều, Kinh giới,Địa hoàng, Khương hoạt, Sơn chi, Cam thảo, Đăng tâm uống lúc đói;
- Có thai huyết ra mãi không dứt, đầu nhức, nóng rét, tai ù là do khí huyết lao thương gây lên, gia Hoàng kỳ, Sinh địa, Xích thược, Kinh giới, Can khương;
- Muốn làm cho ấm hạ nguyên, gia Can khương, Trích thảo;
- Dưới rốn có cảm giác rung động, bụng dưới đau, gia Huyền hồ;
- Hư nhiệt, miệng khô, gia Mạch môn, Hoàng cầm;
- Hư khát gia Nhân sâm, Cát căn, Ô mai, Hoa phấn;
- Hư mà nhiều mồ hồ gia mẫu lệ (nung), Ma hoàn căn;
- Tay chân sưng đau không cất lên được, gia Thương truật;
- Huyết hư táo kết, hợp với bài Điều vị thừa khí thang;
- Vị nhiệt sinh phong, bội Xuyên khung, gia Sài hồ, Phòng phong;
- Can huyết nhiệt gia Kinh giới, Sài hồ;
- Chứng huyết phong, bụng chướng to, gia Chỉ xác, Mộc hương, Tử tô;
- Nôn oẹ gia Bạch truật, Sinh khương, Nhân sâm
- Nôn thổ mãi không dứt, gia Hoắc hương, Nhân sâm, Bạch truật;
- Rét, nóng gia Sinh khương, Đan bì, Sài hồ;
- Lúc hàn, lúc nhiệt gia Bào khương, Đan bì;
- Khát quá gia Tri mẫu, Thạch cao;
- Bụng chướng đầy gia Chỉ xác, Thanh bì;
- Mồ hôi nhiều gia Phù tiểu mạch;
- Đau nhức, gáy cứng gia Nhân sâm, Hoàng kỳ;
- Hư hàn, chứng hậu giống thương hàn gia Nhân sâm, Sài hồ, Phòng phong;
- Bại huyết dùng Quy vĩ, Bạch thược đổi thành Xích thược;
- Nóng âm ỉ trong xương gia Đơn bì, Địa cốt;
- Xích, bạch đới gia Quế chi, Hương phụ;
- Huyết băng gia Sinh địa, Bồ hoàng;
- Huyết ra thành cục, gia Sinh địa, Ngẫu tiết;
- Huyết lạnh, huyết ra mất quá nhiều, gia A giao, Ngải diệp;
- Huyết tích gia Tam lăng, Nga truật, Quan quế, Can tất;
- Kinh huyết ít và nhiều gia Hồng hoa;
- Kinh huyết ra quá nhiều, không có chứng khác, gia Hoàng liên;
- Kinh huyết ít mà sắc bình thường, tăng Thục địa và Đương quy;
- Kinh huyết như nước đỗ đen, gia Hoàng cầm, Hoàng liên;
- Kinh huyết ra mãi không dứt, gia gương sen sao khô;
- Huyết trệ ra không dứt, gia Đào nhân, Hồng hoa;
- Kinh huyết không thông gia Ngưu tất, Hồng hoa, Tô mộc, Hương phụ;
- Có thai bị thương hàn, ho mãi không khỏi, gia Nhân sâm, Ngũ vị;
- Có thai, tâm phiền, gia 1 nắm Trúc nhự;
- Sau khi đẻ bị hư lao lâu ngày, hợp với bài Tiểu sài hồ thang;
- Sau khi đẻ hư yếu, phiền nhiệt, mỏi mệt, phiền muộn, Sinh địa bội gấp đôi;
- Sau khi đẻ đau bụng, gia Chỉ xác, Nhục quế;
- Sau khi đẻ, lúc rét, lúc nóng, gia Sài hồ, Mạch đông;
- Sau khi đẻ bực dọc, rối loạn, gia Phục linh, Viễn trí;
- Sau khi đẻ, máu hôi ra không được, đau bụng mãi không dứt, gia Đào nhân, Tô mộc, Ngưu tất;
- Sau khi đẻ, bụng đau, huyết kết thành hòn, cồng lên, đau như đâm, gia Ngải diệp, Một dược, pha thêm vào nước thuốc 1 ít rượu ngon;
- Sau khi đẻ bị kinh sợ thành khí trệ và mọi thứ tích trệ khác, kết hợp với bại huyết gây lên bệnh, hoặc đau bụng phát trướng, nghẽn đầy,hoặc nóng rét, tay chân đau nhức, gia Huyền hồ, Một dược, Bạch chỉ. Các vị tán bột, hoà với rượu nhạt, uống;
- Sau khi đẻ huyết phong thừa lúc hư yếu gây lên bệnh, hoặc chứng thương phong nhức đầu hoặc chứng sốt nóng tự ra mồ hôi, khớp xương đau nhức, gia Kinh giới tuệ, Thiên ma, Hương phụ, Hoắc hương;
- Sau khi đẻ, sốt theo cơn, gia Xích thược, Sài hồ, Mẫu đơn, Địa cốt bì;
- Sau khi đẻ bị đau mắt, gia Tế tân, khương hoạt, Cúc hoa, Cam thảo, Mộc tặc, Thạch quyết minh, Thảo quyết minh;
- Sau khi đẻ phù thũng, hơi thở gấp, trong cổ có tiếng khò khè như tiếng gà, gia Mẫu đơn, Kinh giưới, Bạch truật, Tang bạch bì, Xích tiểu đậu, Đại phúc bì, Hạnh nhân, Bán hạ;
- Sau khi đẻ mất tiếng không nói được gia Kha tử, Sa đường, Nhân sâm;
- Sau khi đẻ bị kiết lỵ, gia Long cốt, Nhũ hương, Ngô thù du, Mộc hương, Nhục quả, Thương truật, Mẫu đơn, Bạch vị, Nhân sâm, Cam thảo, Trạch lan, Hồi hương. Tán bột, hoàn với đường, sắc nước Mộc qua làm thang;
2.1.1.3.6 Biến pháp của bào Tứ vật:
1/ Khảm ly hoàn
Bài Tứ vật gia Tri mẫu, Hoàng bá, Ngũ vị, Mạch môn. Thục địa thay bằng Sinh địa. Tán bột, luyện với mật làm hoàn. Chửa chứng âm hư có hoả mà thổ huyết.
2/ Ngọc trúc tán:
Bài Tứ vật gia Đại hoàng, Mang tiêu, Cam Thảo. Đương quy đổi bằng Quy vỹ, thay Bạch thược bằng Xích thược. Chữa chứng kinh bế đau bụng, thân thể gầy còm, chóng đói.
3/ Nhị liên tứ vật thang:
Bài Tứ vật gia Hoàng liên và Hồ hoàng liên. Chữa hư lao huyết hư, ngũ tâm phiền nhiệt, nhiệt vào huyết thất (Xung mạch hay Huyết hải) gây lên ngày yên, đêm nóng, dương hãm vào âm.
4/ Tam hoàng tứ vật thang:
Bài Tứ vật gia Cam thảo, Hoàng bá, Hoàng cầm. Chữa chứng âm hư sốt theo cơn.
5/ Tam hoàng bổ huyết thang
Bài Tứ vật dùng cả Thục địa và Sinh địa, gia Hoàng kỳ, Mẫu đơn, Sài hồ, Thăng ma. Chữa chứng mất huyết và huyết hư, 6 bộ mạch đều đại, ấn tay xuống thấy trống.
6/ Nguyên nhung tứ vật thang
Bài Tứ vật gia Đào nhân, Hồng hoa. Chữa đại tiện bĩ kết hoặc bị ngã thành ứ huyết.
7/ Trị phong lục hợp thang:
Bài Tứ vật gia Khương hoạt, Phòng phong. Chữa chứng phong hư, chóng mặt, đại tiện khó.
8/ Trị khí lục hợp thang
Bài Tứ vật gia Mộc hương, Binh lang. Chữa chứng huyết hư khí trệ hoặc huyết khí xông lên.
9/ Thần ứng dưỡng chân đan
Bài Tứ vật gia Thiên ma, Khương hoạt. Tán bột, luyện với hồ thành hoàn. Chữa chứng Can kinh bị phong, hàn, thử, thấp…sinh ra chứng ‘nan hoán” (bại liệt cả hai bên), nói năng khó khăn và chứng huyết hư cước khí.
10/ Hoạt lạc tứ vật thang
Bài Tứ vật gia Đào nhân, Hồng hoa, Trúc lịch, Khương trấp. Chữa chứng liệt nửa người, hỏng về bên trái thuộc về ứ huyết
11/ Phòng phong đương quy tán
Bài Tứ vật gia Phòng phong, bỏ Bạch thược. Chữa chứng vì phát hãn quá nhiều thành chứng kính, cần trừ phong, nuôi huyết (Có 2 loại: sốt không có mồ hôi lại ghê rét là Cương kính, Sốt có mồ hôi mà không ghê rét là Nhu kính).
11/ Tứ thần thang
Bài Tứ vật gia Can khương, bỏ Địa hoàng. Chữa chứng đàn bà huyết hư, thỉnh thoảng bụng đau như cắt.
12/ Giao ngải thang
Bài Tứ vật gia A giao, Ngải diệp, Cam thảo. Chữa đàn bà hai mạch Xung, Nhâm bị hư tổn, kinh huyết dầm dề hoặc huyết hư kiết lỵ.
13/ Ngải phụ noãn cung hoàn
Bài Tứ vật gia Ngải diệp, Hương phụ (Hương phụ tẩm 2 ngày với đồng tiện, nước muối, rượu, giấm thanh rồi sao kỹ), tán bột, luyện với giấm thanh làm hoàn. Chữa tử cung hư hàn.
14/ Phụ bảo đan
Bài Noãn cung gia A giao. Chữa đàn bà hư hàn và mắc chứng cốt chưng (nóng âm ỉ trong xương). Nếu kinh nguyệt không đều, gia thêm Đơn bì, Địa cốt bì.
15/ Phật thủ tán
Bài Tứ vật bỏ Địa hoàng, Bạch thược, tán bột uống. Chữa sau khi đẻ huyết hư, nhức đầu hoặc động thai ra huyết.
16/ Tam hợp tán
Bài Tứ vật hợp với bài Tứ quân và Tiểu sài. Chữa sản hậu lâu ngày thành hư lao.
17/ Sinh địa hoàng liên thang
Bài Tứ vật 28 g, gia Phòng phong 40g, Chi tử, Hoàng cầm, Hoàng liên mỗi thứ 12g, nếu mạch thực gia thêm Đại hoàng. Chữa chứng huyết phong, huyết ra quá nhiều hoặc mất huyết thành khô kiệt sinh chứng lần áo sờ giường (biểu hiện của hôn mê quá độ) hoặc đạp chân, đập tay, nói năng lẫn lộn mất hết tinh thần.
2.1.3 CHỮA CẢ KHÍ VÀ HUYẾT
2.1.3.1 Bài Bát trân thang:
2.1.3.1 Thành phần: Bài Bát trân là hợp 2 bài Tứ quân và Tứ vật, gồm: Nhân sâm (hoặc Đẳng sâm), Bạch truật, Bạch linh, Cam thảo, Xuyên khung, Đương quy, Thục địa (hoặc Sinh địa), Bạch thược.
2.1.3.2 Công dụng: Bổ ích khí, huyết
2.1.3.3 Chủ trị: Khí huyết đều hư, sắc mặt trắng bệch hoặc vàng rơn, đầu váng, mắt hoa, chân tay mệt mỏi, khí đoản lười nói, tim đập hồi hộp, ăn kém, lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng, mạch tế hư.
2.1.3.4 Phân tích: Xem bài Tứ vật và Tứ quân
2.1.3.5 Gia giảm:
- Khí hư nhiều, huyết hư ít, dùng bài Tứ quân nhiều hơn, bài Tứ vật giảm bớt Xuyên khung;
- Vừa hư yếu, lại kiêm cả hàn, gia Nhục quế, nặng gia thêm Can khương, Phụ tử;
- Vừa hư yếu, khí không thu liễm được, bỏ xuyên khung, gia Ngũ vị tử;
- Huyết hư nhiều, khí hư ít, bài Tứ vật dùng nhiều gấp đôi, Sinh địa đổi làm Thục địa, bỏ Xuyên khung. Phục linh và Bạch truật tẩm sữa sao;
- Khi huyết đều hư lại kèm cả ngoại cảm, hạn chế sơ tán mà gia Hoàng kỳ, Nhục quế để bổ chính thời tà sẽ lui. Người già bị “ngược tật” (sốt rét ác tính) hoặc bị sốt rét lâu ngày, nên uống bài này.
2.1.3.6. Chú ý: Trong thực tế, hầu hết người bệnh khí hư kèm theo huyết hư và ngược lại. Vì vậy bài Bát trân bổ cả khí và huyết rất hay được dùng. Nếu khí hư nhiều, bội Sâm, Linh, Truật. Nếu huyết hư nhiều, bội Thục, Quy, Thược, Khung. Gia giảm tham khảo thêm bài Tứ quân và bài Tứ vật.
2.1.3.2 BÀI THẬP TOÀN ĐẠI BỔ:
2.1.3.2.1 Thành phần: Bài Bát trân gia Hoàng kỳ 12 g, Nhục quế 3g
2.1.3.2.2 Công dụng: Ôn bổ khí huyết
2.1.3.2.3 Chủ trị: Khí huyết đều hư, có biểu hiện hư lao, di tinh, vết thương khó liền, băng lậu ở nữ.
2.1.3.2.4 Phân tích: Thêm Quế, Hoàng kỳ để ôn bổ khí huyết.
2.1.3.2.5 Biến pháp của bài thập toàn
1/ Đại bổ hoàng kỳ thang:
Bài Thập toàn gia Sơn thù, Ngũ vị, Thung dung, Khương, Táo, bỏ Bạch thược.Chữa chứng khí huyết đều hư, tự ra mồ hôi không dứt và chứng dương hư sinh giá lạnh.
2/ Đại phòng phong thang:
Bài Thập toàn gia Phòng phong (làm Quân), Khương hoạt, Phụ tử, Đỗ trọng, Ngưu tất. Chữa chứng “Hạc tất phong” (Sưng đau đầu gối).
3/ Ôn kinh ích nguyên tán
Bài Thập toàn gia Trần bì, bỏ Xuyên khung. Chữa chứng sau khi phát hãn sinh hoa mắt, trong tâm hồi hộp rung mình giật gân hoặc mồ hôi ra không dứt, hoặc sau khi uống thuốc hạ rồi cứ đi tháo mãi không cầm được, thân thể đau nhức.
4/ Tam tý thang
Bài Thập toàn, bỏ Bạch truật, dùng Quế tâm, gia Đỗ trọng, Ngưu tất, Tục đoạn, Tế tân, Tần giao, Độc hoạt, Phòng phong (lượng bằng nhau), thêm Khương, Táo. Chữa chứng phong, hàn, thấp, tay chân co quắp do khí huyết ngưng trệ.
5/ Độc hoạt tang ký sinh:
Bài Thập toàn, dùng quế tâm, bỏ Hoàng kỳ và Bạch truật, gia Tần giao, Phòng phong, Ngưu tất, Tang ký sinh (có thể thay bằng Tục đoạn).
6/ Đại tần giao thang:
Bài Thập toàn bỏ Nhân sâm, Hoàng kỳ, Nhục quế, gia Thạch cao, Hoàng cầm, Phòng phong, Khương hoạt, Độc hoạt, Tế tân. Mưa nhiều hoặc thời tiết ẩm thấp gia Sinh khương. Hai mùa Xuân, hạ gia Tri mẫu. Tâm bĩ gia Chỉ xác. Chữa chứng trúng phong tay chân không cử động được, lưỡi cứng khó nói, phong tà tán loạn, không nhất định ở kinh nào.
2.1.3.3 BÀI QUY TỲ THANG:
2.1.3.3.1 Thành phần: Bạch truật 12g, Phục thần 12g, Hoàng kỳ 12g, Táo nhân 12g, Long nhãn 12g, Nhân sâm 6g (hoặc Đảng sâm 12g), Mộc hương 6g, Cam thảo 3g, Đương quy 3g, Viễn trí 3g. Theo cụ Hải thượng Lãn Ông, thường chỉ có tiết tả mới nên dùng Mộc Hương. Nếu không có tiết tả, thay Mộc hương bằng Bạch thược. Hoặc nếu dùng Mộc hương, chỉ dùng ít.
2.1.3.3.2 Công dụng: Ích khí, bổ huyết, kiện tỳ, dưỡng tâm
2.1.3.3.3 Chủ trị:
1. Tâm, Tỳ đều hư. Suy nghĩ quá độ làm tổn thương Tâm, Tỳ, khí huyết bất túc. Tim đập hồi hộp, hay quên, mất ngủ, mồ hôi trộm, nóng âm, ăn ít, mệt mỏi, mặt vàng sạm, lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch tế hoãn;
2. Tỳ không nhiếp huyết. Ỉa ra máu, rong kinh, băng kinh, kinh ra trước kỳ, lượng nhiều, sắc nhợt, hoặc đái són liên tục, hoặc khí hư bạch đới.
2.1.3.3.4 Gia giảm:
- Hoả vượng gia Sơn chi, Đan bì; Khí hư sinh thũng trướng, bỏ Mộc hương;
- Huyết suy, vị quản khô ráo, thỉnh thoảng ho khan, đó là dấu hiệu của chứng “Quan cách”, gia Thục địa; Âm hư rét, nóng bỏ Mộc hương, gia Sơn chi, Sài hồ, nhiệt nhiều gia Đơn bì, rét nhiều gia Quế;
- Muốn toàn bổ âm huyết của Tâm, Tỳ, bỏ Mộc nhương, gia Quế tâm, để chữa chứng bại liệt nên uống xen với bài Bát vị;
- Lo nghĩ, vì uất mà sinh bệnh, bỏ Mộc hương, gia nhiều Sơn chi, Bối mẫu. Nếu khí hạ hãm, gia Thăng ma (tẩm rượu, sao). Chứng này kiêng uống bài Bổ trung;
- Âm hư, không ngủ được, gia Sơn chi, Trúc diệp; Huyết hư, kinh trệ, đau bụng, gia Ngũ linh chi, Hồng hoa, Đào nhân;
- Khí hư bốc lên, bỏ Mộc hương, gia Bạch thược và uống xen với bài Bát vị; Huyết hư, đau bụng gia Bạch thược;
- Hoả hư gia Nhục quế và uống xen với bài Bát vị; Muốn bổ riêng tâm huyết, bỏ Mộc hương, gia Liên tử.
2.1.3.3.5 Biến pháp của bài Quy tỳ:
1/ Bài Toan táo nhân thang:
Bài Quy tỳ, bỏ Mộc hương, Bạch truật, Long nhãn, gia Phục Linh, Trần bì, Liên nhục và thêm Khương, Táo. Chữa chứng hư phiền không ngủ được.
2.1.3.4 BÀI NHÂN SÂM DƯỠNG VINH THANG:
2.1.3.4.1 Thành phần: Là bài Thập toàn đại bổ, bỏ Xuyên khung, Nhục quế, gia Trần bì, Ngũ vị, Sinh khương, Đại táo, Viễn trí.
2.1.3.4.2 Công dụng: Bổ khí huyết. Dưỡng tâm, an thần.
2.1.3.4.3 Chủ trị: Khí huyết đều hư. Có biểu hiện khí đoản, vận động suyễn tức, Tâm hư, tim đập.
2.1.3.4.4 Phân tích: Thêm Trần bì, Ngũ vị, Sinh khương, Đại táo, Viễn trí để dưỡng tâm,an thần.
2.1.3.4.5 Gia giảm: Tiểu tiện bí, gia Ngưu tất; Tiểu tiện vặt, gia Ích trí nhân.
II.1.3.3.5 Biến pháp của bài Nhân sâm dưỡng vinh thang
1/ Dưỡng vinh quy tỳ thang:
Bài Thập toàn đại bổ, bỏ Nhân sâm, Cam thảo, Xuyên khung, Đương quy, Hoàng kỳ, thêm Ngưu tất, Mạch môn, Táo nhân, Ngũ vị, Đăng tâm, Liên tử. Chữa hết thảy các chứng lao thường xuất hiện, ho khạc, thổ huyết, như ngược (sốt rét) mà không phải ngược.
2/ Thập toàn bổ chính thang:
Bài Thập toàn đại bổ, bỏ Thục địa, Xuyên khung, thêm Táo nhân, Đại táo, Ngưu tất, Đỗ trọng. Chữa Tâm, Tỳ không đầy đủ, 5 tạng khí huyết đều bị thương tổn, tự ra mồ hôi, sợ lạnh, eo lưng đau, cảm mạo thời khí tựa như chứng sốt rét, phát sốt do tổn thương.