Bệnh về Thuỷ, Hoả, Âm, Dương

09:36:02 21/11/2022 Lượt xem 119 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

2.2 CÁC BÀI THUỐC CHỮA BỆNH VỀ THUỶ HOẢ

2.2.1 BÀI BÁT VỊ HOÀN

2.2.1.1 Thành phần: Thục địa 30g (hoặc Sinh địa), Hoài sơn 15g, Sơn thù 15g, Mẫu đơn 11g, Phục linh 11g, Trạch tả 11g. Hoàn với mật bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 60, 70 viên vào lú đói (uống với nước muối loãng thì tốt hơn). Dùng Thục địa để bổ mạnh hơn, Sinh địa để lương huyết.

2.2.1.2 Công dụng: Ôn bổ thận dương

Cụ Lãn Ông nói: “Tiên hiền Trương Trọng Cảnh lập ra phương Bát vị này là tiên phương chữa thuỷ hoả, thánh dược cứu âm dương, tôi tôn làm của báu để bảo vệ sức khoẻ, giúp bệnh hiểm, cứu bệnh nguy, các bệnh nặng đến đâu cũng chữa được khoẻ cả”

2.1.2.1.3 Chủ trị: Thận dương bất túc. Lưng đau, gối mỏi, nửa người bên dưới thường có cảm giác lạnh, bụng dưới đau co cấp, đái không lợi hoặc đái nhiều, mạch trầm tế, lưỡi nhạt bệu, rêu mỏng trắng. Cước khí, đàm ẩm.

2.1.2.1.4 Phân tích: Thục địa để tư bổ thận âm. Hoài sơn, Sơn thù bổ Can, Tỳ, hỗ trợ cho bổ âm của thận, Quế, Phụ để ôn bổ thận dương, làm cho thiếu hoả sinh trưởng để sinh thận khí, Trạch tả, Phục linh để lợi thuỷ, thẩm thấp. Đan bì để thanh tả can hoả.

2.1.2.1.5 Gia giảm:

- Thận hư ỉa chảy, kiết lỵ kéo dài gia Thăng ma, Phá cố chỉ, Ngũ vị, bội Phục linh, Trạch tả, bỏ Mẫu đơn;

- Mạch bộ Xích bên phải vi tế mà phần dương kém quá, bội Quế, Phụ; Mạch bộ Xích bên trái Hồng Sác mà phần âm quá thiếu, bội Thục địa;

- Mạch bộ Quan bên trái vô lực, can khí không đủ, bội Sơn thù; Mạch bộ Quan bên phải  vô lực, tỳ vị kém, bội Linh, Trạch, không có thấp trệ thì giảm Linh;

- Vì hoả nhiều quá sinh chứng phát vàng, sốt về chiều, miệng lở, hay đói, khát nhiều, giảm Trạch tả, bội Đơn bì; Can hoả thịnh, nóng như nấu, ngọc hành đau, tiểu tiện ngắn, xén, bội Thục địa, Đơn bì;

- Vị khí yếu, trung khí hư hàn, dễ trướng, dễ tiết, bỏ Mẫu đơn, bội Linh, Trạch, Quế, Phụ; Đàn bà kinh bế, huyết ứ, có nhiệt, bội Thục địa, Mẫu đơn. Hư hàn, bỏ Mẫu đơn, bội Quế, Phụ;

- Táo khô, có dương, không âm, bỏ Trạch tả, bội Thục địa, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất. Hay khát, uống nhiều bội Linh, Trạch. Không khát, có nóng như nấu, bỏ Trạch tả, bội Đơn bì, Linh tẩm sữa;

- Có dương bốc nổi lên, gia Ngưu tất, Ngũ vị để giúp sức cho Sơn thù vị chua có tính thu liễm; Dương hư tinh tổn, gia Lộc nhung, Hà sa (nhau thai) để bổ mạnh cho tinh huyết;

- Thận hư không thu nạp được khí về nguyên chỗ thành chứng hư chướng, hư suyễn, nôn, tức khí nghịch lên, thượng tiêu phiền nóng, bội Ngưu tất để giúp cho Linh, Trạch dẫn đi xuống, gia Ngũ vị để giúp sức cho thu liễm lại;

- Thận hư không bế tàng được, khí hư dưới dồn chạy ngược lên thành chứng ho xốc, gia Ngưu tất, Ngũ vị, bội Linh. Có hoả uất thì bội Đơn bì;

- Tỳ thận hư hàn không thể làm ngấu nhừ, đóng kín thành ra chứng thần tả (đia ỉa vào sáng sớm), gia Bổ cốt chỉ, Thỏ ty để bổ phần dương của Tỳ, Thận;

- Âm dương đều hư, nóng rét qua lại, giống rét mà không phải rét, gia Sài hồ, lạnh nhiều thì bội Quế, Phụ, nóng nhiều bội Mẫu đơn, khát gia Mạch môn, Ngũ vị. Bệnh mới mắc nguyên khí chưa hư tổn, tạm gia Hy thiêm để khu tà;

- Vừa mửa vừa ỉa, âm dương kiệt quệ, nếu mửa nhiều có phù nhiệt bốc lên thì bội Đơn bì, gia Ngũ vị để thu lại, tả nhiều thì bội Linh, Trạch để thấm đi, lại bội Ngũ vị, Cố chỉ để thu lại, gia Mạch môn sao gạo, Ngũ vị sao mật. Vong âm, trung tiện luôn, gia Thăng ma để đưa lên, Cố chỉ để đóng lại;

- Chứng hư bĩ, giả đầy trướng, giả tích khối, bỏ Mẫu đơn, bội Quế, Phụ, gia Ngưu tất, Ngũ vị; Chứng hư lâu ngày, đau bụng liên miên, gia Ngô thù, Tiểu hồi;

- Thận hư, đau sán khí (hòn dái sa lệch), gia Xuyên luyện, Quất hạch, Ngô thù, Hoàng bá sao đen, bỏ Phụ tử; Đờm dãi vít lấp, thuỷ hư thì bỏ Phụ tử, hoả hư thì Thục địa sao khô;

- Các chứng phát sốt của trẻ em, bỏ Quế, Phụ, gia Mạch môn, Ngũ vị,có nóng rét gia Sài hồ, Bạch thược, kinh giật (là nhiệt làm hao huyết không nuôi được gân) gia Quy, Thược, Tần giao, Câu đằng. Hư trướng thì dùng Quế chút ít. Riêng các chứng trẻ em hư hàn, quyết lạnh, dương thoát lại nên dùng Phụ tử. Hoả hư, kém cả âm huyết hư thì dùng Quế, bỏ Phụ tử;

- Trẻ em nhiệt uất, đau bụng, đi ỉa như rót, bỏ Quế, Phụ, giảm Thục địa (sao khô), bội Trạch tả, gia Thăng ma, khát nhiều gia Mạch môn, Ngũ vị; Trẻ em hư nhiệt phát ban, bỏ Quế, Phụ, bội Đơn bì, gia Quy, Thược;

- Đàn bà huyết khô, kinh bế, người gầy đen, tóc ngắn, tính nóng nảy, hay đau bụng trước khi hành kinh, khát, uống nước luôn, sốt về chiều, bỏ Phụ, giảm bớt Quế, Trạch, bội Sơn thù, gia Quy, Thược, Đỗ trọng sao rượu;

- Đàn bà có chứng Bạch đới, bỏ Phụ, bội Trạch, có đau mà trệ xuống, gia Thăng ma, không thì gia Phá cố chỉ.

II.2.1.6 Sự cấm kỵ của bài Bát vị:

- Không nên dùng Hà thủ ô làm đầu vị vì trong cùng 1 bài thuốc không nên có 2 đầu vị, không biết theo bên nào; Dùng Sâm, Kỳ là thuốc bổ khí chạy về kinh dương, đối lập với bài này thuốc bổ thận chạy về kinh âm;

- Dùng Táo nhân, Quy, Truật có thể làm giảm tác dụng của thuốc vì Quy cay, Bạch truật khô ráo vào Tỳ vị, Táo nhân là thuốc vào phần khí của thượng tiêu Tâm, Tỳ. Các vị này không phù hợp với thuốc của phần tinh;

- Thêm Kỷ tử, Liên nhục có sức chậm chạp, thêm vị cùng hãm lại thì khó kiến hiệu nhanh; Gia Bào khương, Chích thảo là thuốc chữa trung tiêu, không thể xuống dưới được.

II.2.1.7 Phép dùng thang tống của bài Bát vị:

- Dùng nước muối nhạt để có hư hoả thì dẫn xuống; Dùng nước cơm làm thang tống để bổ thận mà bổ cả tỳ;

- Dùng nước lã đung sôi làm thang tống để hoà hoãn; Dùng bài Bổ trung làm thang tống để chửa chứng trên hư mà dưới thực, cần đưa trung khí lên;

- Dùng bài Lý trung thang làm thang tống vì trước phải điều lý trung châu rồi mới thông xuống được; Dùng bài Quy tỳ thang là muốn làm tiên thiên thuỷ hoả, hậu thiên khí huyết đều được tư nhuận;

- Dung Nhân sâm, Trần mễ làm thang là để cho dẫn xuống Tỳ, Thận mà sinh dương khí.

2.2.2 BÀI LỤC VỊ

2.2.2.1 Thành phần: Là bài Bát vị, bỏ Quế và Phụ

Thục địa (hoặc Sinh địa) 30g, Hoài sơn 15g, Sơn thù 15g, Đơn bì 11g, Phục linh 11g, Trạch tả 11g.

2.2.2.2 Công dụng: Tư bổ Can Thận

2.2.2.3 Chủ trị: Can thận âm hư, chân âm suy tổn, tinh khô, huyết kém Lưng đau, gối mỏi, đầu váng, chóng mặt, tai ù, mồ hôi trộm, di tinh, ỉa ra máu,  mất máu, thuỷ tà dồn lên thành đờm  Hoặc hư hoả bốc lên gây cốt chưng (nóng trong xương) triều nhiệt, lòng bàn chân, bàn tay nóng. Hoặc hư hoả răng đau, miệng khô, họng khô, mất tiếng, ho hen khát nước, tiểu tiện không rốn được. gót chân đau, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác. Trẻ em thóp hở, chậm mọc răng, chậm biết đi, nghẹo cổ và  các bệnh sốt.

Cụ Lãn ông nói: “Tôi tôn là bài thuốc thánh để bổ âm”. Trẻ em thuần dương, không âm nên bài thuốc này chữa được các chứng tiên thiên bất túc, là thánh dược đối với trẻ em. Trẻ em và người trẻ tuổi nên dùng bài Lục vị. Người già và người bệnh trọng, bệnh lâu ngày nên dùng bài Bát vị.

II.2.2.4 Phân tích: Thục địa để tư thận, ích tinh tuỷ. Sơn thù để tư Thận, ích Can. Sơn dược để tư Thận, bổ Tỳ. Trạch tả để tả thận giáng trọc. Đơn bì để tả Can hoả. Phục linh để thẩm Tỳ thấp. Như vậy,bài thuốc vừa bổ lại vừa tả Thận, Can, Tỳ.

II.2.2.5 Gia giảm:

- Hình thể đen gầy khô khốc, bội Thục địa, bỏ Trạch tả; Nếu tiểu tiện không lợi thì gia Mạch môn, Ngũ vị, cấm dùng Trạch tả (do tinh bị hao kiệt);

- Sốt âm (sốt về chiều hay về đêm, hoặc cả ngày đêm nóng hầm hập luôn) thì bội Đơn bì, Can hoả thịnh quá gia Bạch thược (để sống). Nếu hoả bốc lên dữ dội thì gia Tri bá (tẩm nước giải trẻ em, sao khô). Nếu Can khí thịnh, Can huyết hư, tính nóng vội, hay cái gắt thì giảm Sơn thù, bội Đơn bì, gia Sài hồ, Bạch thược;

- Tỳ hư kém ăn thì bỏ Đơn bì, bội Phục linh, Sơn dược; Huyết hư, âm suy, bội Sơn thù, Thục địa, gia Lộc nhung;

- Thận hư, đau lưng mỏi gối, gia Ngưu tất, Đỗ trọng; Tinh hoạt, nhức đầu, chóng mặt, tối mắt thì bội Thục địa, Sơn thù. Tinh hoạt quá thì gia Phá cố chỉ;

- Tiểu tiện hoặc nhiều, hoặc ít, hoặc đỏ, hoặc trắng thì bội Phục linh, Nếu tiểu tiện nhỏ giọt thì bội Phục linh, Trạch tả, kèm thấp nhiệt thì gia Chi tử, Mộc thông. Tiểu tiện đi luôn thì bỏ Trạch tả, gia Ích trí (tẩm muối sao);

- Tâm hoả thịnh và có ứ nhiệt, bội Đơn bì, gia Mộc thông; Tỳ vị hư yếu, da khô ráp, bội Sơn dược;

- Đàn bà huyết khó, kinh bế, gia Quy, Thược, Nhục quế. Tiểu tiện hoặc đỏ, hoặc trắng, hoặc nhiều, hoặc ít thì bội Phục linh;

- Các chứng huyết đại hư của đàn bà cũng nên dùng bài này. Hư nhiệt bội Đơn bì, khô thì bỏ Trạch tả, bội Thục địa, ăm ít thì bỏ Mẫu đơn, hàn trệ thì gia Quan quế, đau nhói thì gia Thanh bì, Nhục quế, sữa không thông thì bội Thục địa, gia Mộc thông, bỏ Trạch tả;

- Các chứng sốt của trẻ em, nóng nhiều thì bội Đơn bì, nóng cực độ thì gia Tri bá. Nóng và khát gia Mạch môn, Ngũ vị, bội Thục địa;

- Bụng hư trướng thì Thục địa sao khô, bội Linh, Trạch, gia Ngũ vị; Nóng mà mửa thì gia Ngũ vị, Ngưu tất;

- Tỳ hư đi tả và kiết lỵ kéo dài thì gia Thỏ ty, Phá cố chỉ; Ỉa mửa do nhiệt, gia Ngũ vị;  Nóng rét gia Sài hồ, Bạch thược;

- Động kinh phát sốt gia Long đởm thảo, Tần giao, Sài hồ, Bạch thược, Mộc hương; Cam nhiệt, bội Đơn bì, Thục địa;

- Đau bụng, đi lỏng, bội Linh, Trạch, bị lâu ngày gia Phá cố chỉ; Can uất gia Sài hồ, Bạch thược, Tật lê, Cúc hoa;

- Can nhiệt, bụng to, bắp thịt róc thì Thục địa sao khô, bội Phục linh, Trạch tả, gia Xa tiền, Ngưu tất; Nóng biến chứng gia Thăng ma;

- Các chứng tiên thiên bất túc như chậm biết đi, chậm mọc răng, chậm mọc tóc, chậm biết nói, thóp thở, nghẹo cổ, gù lưng, dô ngực đều nên gia Lộc nhung, Lộc giác giao, nặng lắm gia Hà sa.

2.2.2.6 Cách dùng thang tống uống bài Lục vị: Tham khảo bài Bát vị.

2.2.2.7 Những bệnh cấm dùng bài Lục vị:

- Hoả hư, tỳ vị yếu dễ đi ỉa chẩy không nên dùng nhiều;

- Người chân âm thịnh, béo trắng, nếu có sốt nóng là thổ hư không tàng được dương, cấm dùng; Chứng vong dương tuy thấy nóng dữ là hoả thoát ra ngoài, cấm dùng;

- Đờm ở tỳ, phế bít lấp hoặc đến nỗi suyễn nghịch, cấm dùng; Vì thuỷ thịnh mà phát thũng trướng, cấm dùng.

2.2.2.8 Phép biến hoá của bài Lục vị:

1/ Bài Thất vị địa hoàng hoàn:

Bài Lục vị gia Nhục quế. Chữa chứng thận thuỷ không đủ, hư hoả bốc lên, phát sốt, khát nước, miệng lưỡi sinh lở hoặc chân răng lở loét, hầu họng đau hoặc thân thể tiều tuỵ, lúc ngủ ra mồ hôi trộm, phát sốt. Bài này dẫn hoả vô căn về nguyên chỗ.

          2/ Bài Tri bá bát vị hoàn:

Là bài Lục vị gia Tri mẫu, Hoàng bá. Chữa chứng âm hư hoả động, xương yếu, tuỷ khô, mạch xích bên hữu vượng.

3/ Kim quỹ thận khí hoàn:

Là bài Lục vị gia Quế, Phụ, Xa tiền, Ngưu tất đều 4g.Chữa chứng tỳ, phế bụng to do phù thũng, chân tay phù thũng, suyễn thở gấp, đờm nhiều, hoặc khí hư, thuỷ tràn lên thành đờm, chứng cước khí bốc lên, bụng dưới tê dại, chứng chuyển bào của đàn bà, không thông, không dùng bài này thì không thể cứu được. Cụ Lãn Ông nói: “Bài KQTK bổ mà không trệ, thông mà không tiết, là phương thuốc thần diệu để chữa chứng thũng.

4/ Đô khí hoàn:

Là bài Lục vị gia Ngũ vị 8g. Chữa chứng hư lao, khó thở, bổ ích nguồn phế khí.

5/ Bát vị thận khí hoàn:

Là bài Lục vị gia Ngũ vị 4g, Nhục quế 4g. Bổ thận khí, làm chắc răng, tươi sắc mặt.

6/ Bài Bát tiên trường thọ:

Là bài Lục vị gia Mạch môn11g, Ngũ vị 11g. Chữa hư tổn tiêu khát, lao nhiệt, ho lâu ngày.

6/ Ích âm thận khí hoàn

Là bài Lục vị, nhưng điều chỉnh liều lượng: Thục địa 24g, Hoài sơn, Đơn bì, Sơn thù đều 6g, Linh, Trạch đều 3g, gia Quy vỹ, Sài hồ, Ngũ vị đều 6 g. Chữa chứng thận hư, mắt mờ.

II.2.3 CÁC CHỨNG BỆNH DÙNG BÀI BÁT VỊ HOẶC LỤC VỊ:

1/ Chứng trúng phong: thân khô, chân tay yếu, bại liệt là bệnh về gân xương.

Uống bài Bát vị gia Ngưu tất, Đỗ trọng, Lộc nhung, Kỷ tử.

2/ Năm chứng tý (phong, hàn, táo, thấp, hoả gây bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp): Không chứng nào không do ở gân xương, mạch máu. Âm hư thì dùng Lục vị, dương hư dùng Bát vị, gia các thuộc phong mà chữa.

3/ Bệnh tích tụ: cũng thấy ở chứng hư, nếu bổ càng trở lên rắn, nếu tiêu đạo càng yếu đi. Chỉ nên dùng bài Bát vị gia giảm mà chữa.

4/ Chứng thổ tả: Thổ thì vong dương, tả thì vong âm. Nếu quyết lạnh thì dùng Sâm, Phụ, sau khi bệnh đỡ thì dùng Bát vị bội Phục linh, Sơn dược, Quế, Phụ, gia Phá cố. Vong tân dịch mà khát thì gia Mạch môn (sao gạo), Ngũ vị.

5/ Chứng nôn oẹ: Đều do hoả. Nếu hư hoả, dùng bài Bát vị, bội Phục linh, Mẫu đơn, gia Ngũ vị, Ngưu tất.

6/ Bệnh ỉa chẩy lâu ngày: uống Bát vị, bội Phục linh, Sơn dược, gia Phá cố chỉ, Thỏ ty và Ngũ vị;

7/ Chứng táo bón: do tân dịch khô kiệt. Uống bài Lục vị, bội Thục địa, gia Ngưu tất, Thung dung.

8/ Nhức đầu, nhức đầu phong: phần nhiều dương khí thiếu ở trên, âm tà can phạm vào. Uống bài Bát vị gia Ngũ vị, Ngưu tất.

9/ Đau đỉnh đầu mà do không phải do phong tà: Vì thận thuỷ không nuôi được gân. Dùng Lục vị, giảm Trạch tả, gia Tần giao, Bạch thược.

10/ Chứng chóng mặt (huyễn vựng): tuy có chia ra phong, đàm, khí, huyết nhưng nói chung, trung khí hư thì phong hoả hoành hành. Hễ ấn tay vào mà không choáng nữa là chân dương hư, uống bài Bát vị, gia Ngưu tất, Ngũ vị, Đỗ trọng. Gặp khi mệt nhọc mà chân âm hư, uống bài Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.

11/ Đầu nhức dữ mà khí hư nặng: không được dùng thuốc hàn lương. Dùng Lục vị, bội Thục địa, Mẫu đơn, Trạch tả, gia Huyền sâm, Ngưu tất, quá nặng gia Tri mẫu, Hoàng bá.

12/ Râu tóc rụng hoặc bạc muốn làm đen lại: không ngoài thuốc bổ tinh huyết. dùng Lục vị, gia Lộc nhung, Lộc giao.

13/ Đau mắt: đau mà trông thấy được là bệnh thuộc dương, thuộc nhiệt phải bổ thuỷ. Dùng Lục vị bội Thục địa, bỏ Trạch tả, gia Ban long, Ngũ vị, Ngưu tất, Cúc hoa. Không đau mà không thấy gì là bệnh thuộc âm, thuộc hàn, thì bổ chân âm, chân dương. Dùng Bát vị bội Quế, gia Ngưu tất, Mạch môn, Ngũ vị, Cúc hoa.

14/ Tai điếc: Bệnh mới phần nhiều thuộc nhiệt. Bệnh lâu thuộc hư, uống Bát vị, có hoả thì bội Thục địa, gia Quy bản, Ngũ vị. Không có hoả thì bỏ Mẫu đơn, gia Thạch xương bồ, Lộc giao.

15/ Tai ù: do thuỷ suy hoả bốc thì dùng Lục vị gia Ngưu tất, hoả hư thì dùng Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị, Đỗ trọng.

16/ Hay ngạt mũi, không phân biệt mùi: uống Bát vị gia Ngũ vị, Thăng ma, Mạch môn, Ngũ vị.

17/ Chẩy nước mũi: Do thận chủ 5 chất dịch, nên uống bài Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.

18/ Đau họng: đều do hoả xông đốt lên. Nếu do thuỷ suy, dùng Lục vị, bội Thục địa, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất. Hoả hư dùng Bát vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.

18/ Miệng môi lưỡi lở loét: dùng Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.

19/ Răng lung lay hay rụng sớm: uống bài Bát vị kèm với thuốc bổ huyết. Nếu răng trồi lên, chảy máu hôi thối, uống bài Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, bội Sơn dược, Phục linh.

20/ Đau vùng tâm: dùng Bát vị bổ mệnh môn hoả.

21/ Đau ngực, đau sườn: uống bài Bát vị, gia Cố chỉ, Ngô thù (tẩm nước muối nhạt, sao). Hạ sườn có 1 điểm đau lâu ngày, uống Bát vị gia Đương quy, Bạch thược, Ngô thù.

22/ Khí uất, khí trệ: Nếu là chứng thực phải dùng thuốc hành khí, giáng khí. Nếu là hư, dùng Bát vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, Trầm hương.

23/ Đau lưng: tuy có phân ra đờm, khí, huyết, thấp, nhiệt, hàn những cũng không ngoài thận. Uống Bát vị gia Ngưu tất, Đỗ trọng, đờm nhiều bội Phục linh, thấp nhiều bội Trạch tả, gia Trư linh, huyết trệ, bội Quế, gia Hồng hoa, khí ủng tắc gia Thăng ma, Ngô thù.

24/ Đau bụng dưới: thường do Can, chữa cả Can và Thận. Nếu hoả bốc lên, dùng Lục vị gia Sài hồ, Bạch thược. Hư hoả, uống Bát vị gia Ngô thù, Trầm hương.

25/ Sôi bụng có nước lọc ọc:  Phải uống thuốc thẩm thấp. Nếu sôi mà sợ lạnh là trung khí hư, uống Bát vị, bội Trạch tả, gia Ngũ vị, Ngưu tất.

26/ Bệnh cước khí đều do thận hư. Nếu vào bụng hay xung tâm đều rất nguy hiểm. Uống Bát vị gia Ngô thù, Ngưu tất, Ngũ vị, Mộc qua. Nếu mới phát dùng bài Thận khí hoàn.

27/ Bại liệt: do gân xương không làm hết chức năng và tinh huyết suy. Uống Bát vị  gia Ngưu tất, Đỗ trọng  với thuốc bổ tinh huyết, là thuốc thánh chữa bại liệt.

28/ Chứng mềm nhũn, có nhiều chứng khác nhau. Nếu chứng khí quyết mà mình mát chưa đến thoát, dùng Bát vị gia Ngũ vị.

29/ Bệnh thổ huyết, nục huyết: Nếu thực chứng dùng thuốc hàn lương hay phát hãn. Nếu hư chứng, do thuỷ suy, dùng Lục vị gia Ngũ vị, Ngưu tất, nặng lắm gia Tri mẫu, Hoàng bá, Huyền sâm. Hoả hư uống Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị, Ban long.

30/ Hư lao: nguồn gốc do tinh suy, huyết tổn. tuỳ thuỷ suy hay hoả hư mà dùng bài Lục vị hay Bát vị, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.

Ghi chú: Những vị gia thêm mà không ghi liều lượng, thường cho thêm từ 6-12g, một số vị có tác dụng mạnh như Nhục quế, Phụ tử, Ngô thù, Tiểu hồi, Sa nhân, Ngũ vị: 3-4g. Nếu nói gia 1 chút: 1-2g.

  

cẩm nang Khác:

0915.329.743
messenger icon zalo icon