PHƯƠNG THUỐC TƯ ÂM NHUẬN TÁO
(Ho khan, nôn, khát, tiểu đường, táo kết)
Dùng để chữa các chứng nội táo, có các biểu hiện ho khan ít đờm, nôn nghịch, không ăn, miệng khát, họng khô, tiêu khát (tiểu đường), phân táo kết do tân dịch của tạng phủ không đủ.
Các phương thuốc tư âm nhuận táo có các vị Sa sâm, Mạch môn, Sinh địa, Huyền sâm.
1/ CHỨNG BẠCH HẦU. MÀNG TRẮNG Ở HỌNG, HẦU HỌNG SƯNG ĐAU, THỞ KHÒ KHÈ
Bài thuốc: DƯỠNG ÂM THANH PHẾ THANG (Sách Trọng lầu ngọc)
Thành phần: Sinh địa 2đc, Huyền sâm 1,5đc, Mạch môn 1,2đc, Bạch thược, Bối mẫu, Đơn bì đều 0,8đc, Sinh cam thảo, Bạc hà đều 0,5đc.
Cách dùng: Sắc uống
Công dụng: Dưỡng âm thanh phế
Chủ trị: Bạch hầu. Màng trắng ở họng khô bong, hầu họng sưng đau, lúc sơ khởi phát sốt hoặc không, mũi khô, môi khô, hoặc ho hoặc không, thở khò khè, như khó thở mà không khó thở (do âm hư ôn nhiệt phục cảm dịch độc).
Phân tích: Sinh địa dưỡng thận âm. Mạch môn dưỡng phế âm. Huyền sâm thanh hư hoả, giải độc. Đan bì lương huyết và tiêu sưng. Bối mẫu nhuận phế hoá đờm. Bahcj thược liễm âm tiết nhiệt. Bạc hà tán tà lợi yết hầu. Cam thảo điều hoà các vị thuốc
Gia giảm:
- Chứng ở biểu rõ, thêm Tang diệp, Kim ngân hoa;
- Nhiệt độc nặng thêm Hoàng cầm, Liên kiều;
- Nếu tiếng mất, khí cấp phải cấp cứu bang y học hiện đại
2/ CHỨNG ÂM CỦA PHẾ THẬN HƯ. HO ĐỜM CÓ MÁU, HẦU HỌNG KHÔ ĐAU, NÓNG TRONG XƯƠNG, MỒ HÔI TRỘM
Bài thuốc: BÁCH HỢP CỐ KIM THANG (Sách Y phương tập giải)
Thành phần: Thục địa 3đc, Sinh địa 2đc, Mạch môn 1,5đc, Bạch thược, Bách hợp, Bối mẫu, Sinh cam thảo, Đương quy đều 1đc, Huyền sâm, Cát cánh đều 0,8đc.
Cách dùng: Sắc uống
Công dụng: Dưỡng âm nhuận phế, hoá đờm chỉ ho
Chủ trị: Âm của phế thận hư. Ho đờm có máu, hầu họng khô đau, lòng bàn chân tay nóng, cốt chưng (nóng hầm), mồ hôi trộm, lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác.
Phân tích: Sinh địa, Thục địa tư âm bổ thận, lương huyết, cầm máu. Mạch môn, Bách hợp, Bối mẫu nhuận phế dưỡng âm và hoá đờm chỉ ho. Huyền sâm tư âm, lương huyết, thanh hư hoả. Đương quy dưỡng huyết nhuận táo. Bạch thược dưỡng huyết, ích âm. Cát cánh tuyên phế lợi khí, chỉ ho, hoá đờm. Cam thảo điều hoà các vị thuốc, hợp với Cát cánh để lợi yết hầu.
3/ CHỨNG ÂM CỦA PHẾ HOẶC VỊ KHÔNG ĐỦ. HO ĐỜM KHÓ KHẠC HOẶC NÔN, MIỆNG KHÁT, HỌNG KHÔ
Bài thuốc: MẠCH MÔN ĐÔNG THANG (Sách Kim quỹ yếu lược)
Thành phần: Mạch môn 2 lạng (20đc), Bán hạ, Nhân sâm đều 3đc, Cam thảo, Gạo tẻ đều 2đc, Đại táo 3 quả.
Cách dùng: Sắc uống
Công dụng: Tư dưỡng phế âm, giáng nghịch hoà trung
Chủ trị:
1/ Âm của phế không đủ. Khí nghịch ho., miệng khát, họng khô, đờm khạc khó ra, hoặc ho thổ đờm dãi, ngũ tâm nhiệt, lưỡi đỏ ít rêu, mạch hư sác;
2/ Âm của vị không đủ. Khí nghịch nôn oẹ, miệng khát họng khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch hư sác.
Phân tích: Trọng dụng Mạch môn để dưỡng âm thanh hư hoả. Bán hạ giáng nghịch hoá đờm giúp Mạch môn tư âm song không gây nê trệ. Có Mạch môn thì Bán hạ giảm được tính táo, giữ được tác dụng giáng nghịch. Nhân sâm bổ ích trung khí, hợp với Mạch môn để vừa bổ khí, vừa sinh tân. Gạo tẻ, Táo, Thảo bổ tỳ vị theo ý bồi thổ sinh kim.
4/ CHỨNG TIỂU ĐƯỜNG, MIỆNG KHÁT, ĐÁI NHIỀU HOẶC ĐÁI ĐỤC, MỆT MỎI, THỞ NGẮN
Bài thuốc: NGỌC DỊCH THANG (Sách Y học trung trung tham tây lục)
Thành phần: Sinh sơn dược 1 lạng (10đc), Tri mẫu đều 6đc, Sinh hoàng kỳ 5đc, Thiên hoa phấn, Ngũ vị tử đều 3đc, Sinh kê nội kim 2đc, Cát căn 1,5đc (Tôi thường giảm liều Ngũ vị tử còn 2-3 g vì sử dụng liều cao không tốt)
Cách dùng: Sắc uống
Công dụng: Ích khí sinh tân, nhuận táo chỉ khát.
Chủ trị: Bệnh tiêu khát (tiểu đường). Khí không phân bổ tân được, thận hư, vị táo. Miệng khát uống luôn, đái nhiều lần lượng nhiều hoặc đái đục, mệt mỏi khí đoản, mạch hư tế vô lực.
Phân tích: Hoài sơn bổ tỳ, bổ thận nhằm giảm đi đái, nhuận phế sinh tân chỉ khát. Hoàng kỳ thăng dương ích khí giúp cho khí của tỳ vị đi lên, làm cho tinh lên phân tán ở phế, có thể chỉ khát. Tri mẫu, Thiên hoa phấn tư âm, nhuận táo, chỉ khát. Kê nội kim giúp tỳ vận hoá để thuỷ cốc thành tân dịch. Cát căn đưa phần thanh dương của tỳ vị lên, phân bố tân dịch đi ngũ tạng. Ngũ vị tử liễm âm sinh tân, cố thận sáp tinh.
5/ CHỨNG ÔN DỊCH, TÂN DỊCH KHÔNG ĐỦ, PHÂN KẾT ỈA KHÔ
Bài thuốc: TĂNG DỊCH THANG (Sách Ôn bệnh điều biện)
Thành phần: Huyền sâm 1 lạng (10đc), Mạch môn, Thục địa đều 8đc
Cách dùng: Sắc uống
Công dụng: Tư âm thanh nhiệt, nhuận táo thông tiện.
Chủ trị: Bệnh ôn ở kinh Dương minh (cúm). Tân dịch không đủ, phân kết ỉa khó, mạch trầm vô lực.
Phân tích: Huyền sâm (mặn hàn) để nhuận hạ, phối ngũ với Mạch môn (cam hàn) tư nhuận. Sinh địa tư âm tráng thuỷ, nhằm tư âm thanh nhiệt, nhuận táo thông tiện. Phương này có ý như thêm nước (tân dịch) cho thuyền đi (thông tiện) mà không công hạ như Thừa khí thang.
Nếu uống xong thuốc 12 giờ vẫn không đi ỉa thì uống lần thứ 2.
Nếu vẫn không đi ỉa thì hợp với Điều vị khí thang.
6/ CHỨNG THUỶ SUY, ÂM HƯ, HUYẾT KÉM. NGỰC KHÓ CHỊU, ĐAU KHAN TỪ CỔ ĐẾN HẬU MÔN HOẶC TRƯỜNG VỊ ĐAU, HOẶC XUẤT HUYẾT, TÁO BÓN
Bài thuốc: TƯ THUỶ NHUẬN TÁO PHƯƠNG (Sách Hiệu phỏng tân phương)
Thành phần: Thục địa 2 lạng (20đc), Mạch môn, Thiên môn đều 6đc, Sữa người 1 bát to, Đại phụ tử 2đc, Ngũ vị tử 20 hột.
Cách dùng: Sắc uống, khi sắp sắp xong thì cho sữa vào, lại đun sôi vài dạo, chắt lấy nước thuốc để uống (theo tôi, nếu không có sữa người thì dùng sữa bột, tuy nhiên sữa người hiệu quả hơn nhiều)
Công dụng: Tư thuỷ, nhuận táo.
Chủ trị: Tiên thiên thận thuỷ suy tinh kiệt, hậu thiên âm hư huyết kém,. Trong ngực khó chịu đau khan từ cổ họng đến hậu môn, hoặc trường vị đau như cắt, chết đi sống lại, hoặc đại trường xuất huyết táo bón, hoặc các chứng tân dịch suy hư gây khô táo, hoặc thương hàn nóng hầm, thuỷ suy huyết ráo, phát tán nhiều lần mà mồ hôi không ra.
Phân tích: Thục địa bổ mạnh vào tinh huyết chân âm, là thuỷ của thiên nhất. Thiên môn giúp thận thuỷ nhuận ngũ tạng, điều hoà táo kết, chuyên về tư thận dưỡng phế. Mạch môn thêm tinh mạnh âm, nhuận kim, thêm huyết, liễm phế, mạnh thận, cả hai vị đều làm thần. Sữa người bổ ngũ tạng, nhuận tràng vị, tư âm tích dương, dùng làm tá. Đại phụ tử làm sứ hướng đạo cho hai kinh tâm và thận, tán âm thấp, âm hàn, dẫn thuốc bổ huyết mạch, liễm phế kim mà tư thận thuỷ, sinh tân dịch mà mạnh phần âm, tăng nạp nguyên khí làm cho Đại phụ tử cũng giốc theo về âm mà ức chế hoả, tưới nhuần và cổ động các phần âm, để thông cái trig trệ.
Gia giảm:
- Phiền nóng thêm Quy giao;
- Không ngủ được thêm Táo nhân;
- Đại tiện bí thêm Đương quy, Nhục thung dung;
- Nhiệt uất bụng đầy thêm Ngưu tất;
- Mình nóng mồ hôi nhiều thêm A giao;
- Mình lạnh tự đổ mồ hôi thêm Nhân sâm, Bạch truật, Hoàng kỳ, bỏ Thiên môn và Sữa người.