PHƯƠNG THUỐC GIÁNG KHÍ
(Nôn, ho, suyễn, ợ hơi, nấc)
Dùng để chữa phế khí vị khí nghịch gây nôn, ho, suyễn, ợ hơi, nấc.
Chữa phế khí nghịch thường dùng thuốc giáng khí trừ đờm, chỉ ho bình suyễn như Tô tử, Hạnh nhân, Trầm hương.
Chữa vị khí nghịch thường dùng thuốc có tác dụng giáng nghịch hoà vị, chỉ nôn: Tuyền phúc hoa, Bán hạ, Trần bì, Đinh hương, Thị đế.
1/ CHỨNG TRÊN THỰC DƯỚI HƯ. ĐỜM DÃI NHIỀU, HO SUYỄN KHÍ ĐOẢN, NGỰC HOÀNH ĐẦY TỨC, HOẶC LƯNG ĐAU CHÂN YẾU HOẶC CHÂN TAY PHÙ NỀ
Bài thuốc: TÔ TỬ GIÁNG KHÍ THANG (Sách Cục phương)
Thành phần: Tô tử, Bán hạ đều 2,5 lạng (1 lạng = 10 đc); Đương quy, Cam thảo đều 2 lạng; Nhục quế 1,5 lạng; Tiền hồ, Hậu phác đều 1 lạng.
Cách dùng: Tán mịn, mỗi lần dùng 2đc sắc với nước sinh khương 2 lát, Táo 1 quả, Tô diệp 5 lá uống bất cứ khi nào.
Hiện nay dùng đơn vị đc thay lạng, Tô diệp 2g.
Công dụng: Giáng khí bình suyễn, khử đờm chỉ ho.
Chủ trị: Thượng thực hạ hư. Đờm dãi nhiều, ho suyễn khí đoản, ngực hoành đầy tức, hoặc lưng đau chân yếu, chân tay rã rời, hoặc chân tay phù nề, lưỡi rêu trắng trơn hoặc trắng cáu.
Phân tích: Tô tử giáng khí hoá đờm, chỉ ho, bình suyễn. Bán hạ, Hậu phác, Tiền hồ khử đờm, chỉ ho, bình suyễn. Các vị trên chữa chứng thực ở phế. Nhục quế ôn thận khu hàn, nạp khí bình suyễn. Đương quy dưỡng huyết, bổ can. Hai vị này để ôn bổ hư ở dưới và chữa ho do khí nghịch lên. Khương, Tô diệp tán hàn tuyên phế. Cam thảo, Đại táo hoà trung, điều hoà các vị thuốc.
Chú ý: Phương thuốc này để giáng khí khu đờm, tính thiên về ôn táo nên không dùng cho phế thận đều hư không có tà gây ho, hoặc phế nhiệt có đờm suyễn.
2/ CHỨNG VỊ HƯ CÓ NHIỆT. NẤC HOẶC NÔN KHAN
Bài thuốc: TRẦN BÌ TRÚC NHỰ THANG (Sách Kim quỹ yếu lược)
Thành phần: Trần bì, Trúc nhự đều 12g, Sinh khương 9g, Cam thảo 6g, Nhân sâm 3g, đại táo 3 quả
Cách dùng: Sắc uống lúc thuốc còn ấm.
Công dụng: Giáng nghịch chỉ nấc, ích khí thanh nhiệt.
Chủ trị: Vị hư có nhiệt, khí nghịch không giáng. Nấc hoặc nôn khan.
Phân tích: Nấc có do hàn nhiệt hư thực. Phương này chữa nấc do hư nhiệt. Trần bì hành khí hoà vị chỉ nấc. Trúc nhự thanh nhiệt yên vị chỉ nấc. Nhân sâm bổ khí phù chính hợp với Trần bì tạo lên tác dụng trong hành khí có bổ khí. Sinh khương hoà vị chỉ nôn, hợp với Trúc nhự để trong thanh nhiệt lại có ôn. Thảo, Táo trợ Sâm bổ khí hoà vị,
Gia giảm: Nếu vị khí không có hư, chỉ có vị nhiệt gây nấc thì bỏ Sâm, Táo, Thảo thêm Thị đế 9g để giáng nghịch chỉ nôn, hoà vị thanh nhiệt gọi là Tân chế Trần bì Trúc nhự thang (Ôn bệnh điều biện).
Nếu có cả âm hư kết hợp với khí hư làm cho vị nhiệt, khát nhiều nôn không ăn được thì thêm Mạch môn, Xích linh, Tỳ bà diệp, Bán hạ lượng bằng Trần bì để giáng nghịch chỉ nôn, hoà vị thanh nhiệt, cũng gọi là Trần bì Trúc nhự thang (Tế sinh phương).
3/ CHỨNG VỆ KHÍ HƯ HÀN. NẤC KHÔNG NGỪNG, NGỰC TẮC
Bài thuốc: ĐINH HƯƠNG THỊ ĐẾ THANG (Sách Chánh nhân mạch trị)
Thành phần: Thị đế 9g, Đinh hương, Sinh khương đều 6g, Nhân sâm 3g
Cách dùng: Sắc uống.
Công dụng: Ôn trung ích khí, Giáng nghịch chỉ nấc.
Chủ trị: Vệ khí hư hàn. Nấc không ngừng, ngực tắc, mạch trì.
Phân tích: Đinh hương ôn vị, tán hàn, hạ khí chỉ nấc. Thị đế (ôn sáp) chuyên trị nấc, là 2 vị thuốc chủ yếu để chữa nấc do vị hàn. Nhân sâm ích khí bổ hư, Sinh khương ôn vị giáng nghịch.
Gia giảm: Nếu vị khí không hư, chỉ có vị hàn gây nấc thì bỏ Nhân sâm gọi là Thị đế thang (Tế sinh phương).