Hội chứng cổ trướng

17:52:21 25/04/2023 Lượt xem 98 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

Bệnh học nội khoa Y học hiện đại - Các bệnh thuộc hệ Tiêu hoá

HỘI CHỨNG CỔ TRƯỜNG

          I/ ĐẠI CƯƠNG

          Bình thường trong ổ bụng không có nước. Khi giữa lá thành và lá tạng xuất hiện một ổ dịch ta gọi là cổ chường (hay còn gọi là tràn dịch màng bụng). Cổ trướng không phải là một bệnh mà là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây nên.

          Có hai loại cổ trướng:

  • Cổ trướng tự do (thường gặp): Là trường hợp chất dịch có thể lưu thông mọi chỗ trong ổ bụng;
  • Cổ trướng khu trú (ít gặp): Chất dịch chỉ nằm trong một vùng của ổ bụng.

II/ CHẨN ĐOÁN CỔ TRƯỚNG

  1. Nhìn

Quan sát bệnh nhân ở các tư thế:

  • Nằm ngửa: Bụng to bè ra hai bên, da căng, rốn lồi, có tuần hoàn bàng hệ, bụng không cử động theo nhịp thở. Bệnh nhân nằm nghiêng thì dịch trong ổ bụng sẽ dồn về phía thấp;
  • Tư thế đứng: Bụng chẩy xệ xuống dưới và tuần hoàn bàng hệ nhìn thấy rõ.

  1. Sờ nắn

  • Dịch ít: Không thấy gì đặc biệt;
  • Dịch trung bình hoặc nhiều: Sờ thấy bụng mềm hoặc có cảm giác căng như quả bóng cao su (nếu có dịch cổ trướng nhiều).

Dấu hiệu sóng vỗ (+). Cách làm: Người phụ lấy rìa bàn tay chắn nhẹ lên đường giữa bụng. Người khám lấy một bàn tay áp vào một bên thành bụng, tay bên kia vỗ nhẹ hoặc búng vào thành bên đối diện sẽ có cảm giác sóng dội vào lòng bàn tay đối diện. Đó là dấu hiệu sóng vỗ.

Dấu hiệu cục đá nổi: Nếu trong ổ bụng có một khối u nào đó hoặc có gan to, lách to sẽ có dấu hiệu cục đá nổi. Cách làm: lấy ngón tay ấn nhanh và bất chợt vào thành bụng ngay phía trên khối u đó, ta sẽ thấy cảm giác bị đụng trở lại ngón tay ta giống như cục đá hoặc quả trứng nổi trong nước.

Là một trong những phương pháp quan trọng để xác định cổ trướng. Cần gõ ở hai tư thế: nằm ngửa rồi nằm nghiêng, phải và trái.

  • Nằm ngửa: Gõ từ rốn ra xung quanh theo hình nan hoa xe đạp, sẽ thấy vùng cao và vùng gần rốn có tiếng trong, tiếng đục ở vùng thấp. Nếu cổ trướng nhiều thì giới hạn giữa vùng trong và vùng đục là một đường cong lõm xuống. Nếu cổ trướng ít, vùng đục chỉ có ở hai bên mạn sườn.
  • Nằm nghiêng: Vùng đục sẽ nhiều hơn ở bên thấp.

Với những dấu hiệu đã khám có thể nghĩ đến cổ trướng khi:

+ Nhìn: Bụng to;

+ Sờ: Có dấu hiệu sóng vỗ;

+ Gõ: Tiếng đục ở vùng thấp và đường cong giới hạn lõm xuống.

Cần khám toàn thân và các bộ phận khác để phát hiện thêm các triệu chứng kèm theo. Sau đó tiến hành chọc ổ bụng để xác định chẩn đoán.

  1. Chọc dò ổ bụng:

Là phương pháp xác định cổ trướng quan trọng nhất. Khi chọc ổ bụng, nếu đúng là cổ trướng sẽ thấy chất dịch chẩy ra.

Cần nhận định sơ bộ về màu sắc của chất dịch:

  • Dịch trong suốt không màu: Bệnh tim;
  • Dịch màu vàng chanh: Bệnh lao màng bụng hoặc xơ gan;
  • Dịch màu hồng máu: Ung thư hoặc lao màng bụng;
  • Dịch đục như mủ: Viêm màng bụng có mủ;
  • Dịch đục trắng như sữa, đông lại như thạch: đó là dịch dưỡng trấp, gặp trong bệnh giun chỉ, khối u ổ bụng.

Cần làm các xét nghiệm về sinh hoá (định lượng Ambumin, làm phản ứng Rivalta), tìm các loại tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tế bào ung thư), các xét nghiệm về vi khuẩn (soi trực tiếp, nuôi cấy, tiêm chuột lang…).

III/ CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

  • Bụng to vì béo sệ: da bụng dầy, rốn lõm, gõ không có hiện tượng đục ở thấp, trong ở trên;
  • Da bụng phù nề: ấn ngón tay lên da thấy có vết lõm;
  • Bụng chướng hơi: Gõ trong toàn bộ, không có dấu hiệu sóng vỗ;
  • U nang buồng trứng: sờ thấy khối u, bụng không bè ra hai bên mà thường nhô cao lên trên;
  • Bụng có thai: Có dấu hiệu thai nghén. Nếu thai to, nghe thấy tiếng tim thai;
  • Cầu bàng quang: Bệnh nhân bí đái, thông nước tiểu, khối u sẽ mất.

IV/ NGUYÊN NHÂN

Cổ trướng có thể do một số nguyên nhân sau:

  • Xơ gan: Là nguyên nhân hay gặp nhất. Thường cổ trướng tự do to, có tuần hoàn bàng hệ, suy gan và lách to. Dịch là dịch thấm, màu vàng chanh;
  • Lao màng bụng thể cổ trướng: Thường gặp ở phụ nữ, người trẻ. Cổ trướng thể trung bình. Dịch màu vàng chanh, Loại dịch tiết: Anbumin trên 30g/lit, Rivalta dương tính, trong dịch có nhiều bạch cầu Lympho (70% tổng số tế bào). Ngoài cổ trướng của lao màng bụng, bệnh nhân có thể tổn thương lao ở bộ phận khác, nhất là phổi;
  • Suy tim: Cổ trướng bao giờ cũng đi đôi với phù toàn thân. Dịch cổ trướng trong và dịch thấm, có dấu hiệu suy tim;
  • Bệnh thận: Cổ trướng ít, nước dịch thấm, có dấu hiệu viêm thận mạn;
  • Suy dinh dưỡng: Ngoài cổ trướng, bệnh nhân còn phù toàn thân, thiếu máu, suy kiệt. Dịch cổ trướng là dịch thấm;
  • Ung thư màng bụng: Dịch cổ trướng là dịch máu, có thể tìm thấy tế bào ung thư. Khi chọc tháo cổ trướng, dịch tái phát nhanh và là dịch tiết Anbumin trên 30g/lit. Phản ứng Rivalta dương tính.

#cổ_trướng
#xơ_gan_cổ_trướng
#đông_y_hải_phòng
#thuốc_bắc_hải_phòng
#thuốc_nam_hải_phòng
#đông_y_gia_truyền_an_khang_đường

https://phuongthuoccotruyen.com
 

0915.329.743
messenger icon zalo icon