CẢM MẠO PHONG HÀN

Đông Y Khang 10:50:53 23/11/2022 Lượt xem 126 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

CẢM MẠO PHONG HÀN

  1. KHÁI QUÁT:

 Cảm mạo phong hàn xuất hiện ở bốn mùa, hay gặp nhất về mùa đông..

Nguyên nhân do phong hàn xâm nhập vào bì phu và phế (phổi), làm mất công năng tuyên giáng của phế, kèm theo vệ khí bị trở ngại, phát sinh các chứng: sợ gió, sợ lạnh, ho, nhức đầu, ngạt mũi, đau mình mấy.

Y học cổ truyền điều trị rất hiệu quả chứng cảm mạo phong hàn.

  1. ĐIỀU TRỊ

Trước hết cần phân biệt chứng cảm mạo có mồ hôi hay không có mồ hôi.

  1. Nếu có mồ hôi: là biểu hư, cần giải cơ phát biểu, điều hoà dinh vệ

Bài thuốc cổ phương: QUẾ CHI THANG (SáchThương hàn luận)

Thành phần: Quế chi 10g, Bạch thược 10g, Cam thảo chích 6g, Gừng sống 10g, Đại táo 3 quả.

Sắc uống nóng, uống xong húp một bát cháo loãng.

Phân tích: Quế chi để giải cơ phát tán, Bạch thược để ích âm, cầm mồ hôi, Gừng sống giúp Quế chi giải cơ và ôn vị chỉ nôn. Đại táo để ích khí bổ trung, Cam thảo điều hoà các vị thuốc.

  1. Nếu không có mồ hôi:  là biểu thực, phép chữa là phát hãn giải biểu (làm ra mồ hôi). Uống thuốc xong, húp một bát cháo loãng, trùm chăn để ra mồ hôi.

Bài thuốc nghiệm phương: CHÁO GIẢI CẢM (Thuốc nam châm cứu - Viện Đông y)

Thành phần: Hành tăm cả rễ 20g, Gừng tươi 10g, Gạo nếp 50 g (có thể dùng hành củ, gạo tẻ cũng được).

Cách dùng: Hành, gừng thái nhỏ để sẵn trong bát (có thể thêm một lòng đỏ trứng gà để bổ dưỡng), gạo nếp nấu cháo loãng. Khi cháo chin, lúc đang sôi, múc nước cháo đổ vào bát, cho mắm muối vùa đủ, quấy đều và húp nước chảo lúc còn nóng, xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi. Khi mồ hôi ra đều, nhẹ người, bỏ chăn, lau mồ hôi, thay quần áo. Chú ý tránh gió.

Công dụng: Làm ra mồ hôi, giải biểu

Chủ trị: Ngoại cảm phong hàn. Sốt, sợ lạnh, sợ gió, ngạt mũi, sổ mũi, đau đầu, thân thể chân tay đau mỏi khó chịu, không có mồ hôi, rêu lưỡi trằng mỏng.

Phân tích: Hành tăm, gừng để phát hãn giải biểu.  Nước cháo loãng vừa giúp hành gừng giải biểu vừa trợ chính khí

Bài thuốc nghiệm phương: NỒI XÔNG (Thuốc nam châm cứu - Viện Đông y)

Thành phần: Hương nhu, Cúc tần, Tía tô, Kinh giới, Lá chanh, lá sả, Lá bưởi, Lá tre mỗi thứ một nắm tươi.

Công dụng: Làm ra mồ hôi, giải biểu, kháng sinh.

Chủ trị: Như cháo giải cảm.

Cách dùng: Đổ ngập nước trên thuốc, đun sôi 1-3 dạo, trùm chăn, hé dần vung nồi để xông khoảng 10 phút. Sau khi xông cần lau khô người, thay quần áo, tránh gió. Không xông kéo dài có thể làm hao vệ khí.

Nếu sau khi xông, sốt hạ song mồ hôi vẫn ra không dứt, cần dùng ngay 7g Nhân sâm đê ích khí liễm hãn

Phân tích: Hơi nóng và các hương tinh dầu của các lá thơm vừa có tác dụng làm ra mồ hôi, tán hàn giải biểu, vừa có tác dụng khai phế khiếu, thông mũi, hết ngạt mũi, chẩy nước mũi.

 

Bài thuốc nghiệm phương: TRÀ TÍA TÔ - GỪNG (Hướng dẫn của Bộ Y tế)

 Thành phần: Gừng 20 g, lá Tía tô 10 g, đường nâu (đường thẻ/mật) 1 ít.

 Cách chế biến: Gừng thái sợi, lá Tía tô nghiền dập, cho vào ly nước sôi cùng với đường nâu 10 phút là có thể dùng.

Công dụng: Làm ra mồ hôi, giải biểu

Chủ trị: Cảm mạo phong hàn.

Phân tích: Gừng phát tán phong hàn, hòa vị giáng khí, lá Tía tô phát biểu tán hàn, khai thông phế khí, trà tía tô giúp ôn phế, phát tán phong hàn.

 

Bài thuốc cổ phương: TÔ BẠCH THANG (Thuốc nam châm cứu - Viện Đông y) – Cảm phong hàn có suyễn

Thành phần: Lá tía tô 12g, Củ gấu chế 12g, Vỏ quýt 12g, Hành tăm 12g (hoặc hành củ cũng được), Gừng sống 8g, Cam thảo 4g.

Công dụng: Làm ra mồ hôi, giải biểu, bình suyễn

Chủ trị: Cảm phong hàn có suyễn

Phân tích: Hành, Gừng sơ tán phong hàn, Củ gấu, Vỏ quýt để lý khí, Tía tô để tuyên giáng phế khí, bình suyễn. Cam thảo ích khí, điều hoà các vị thuốc.

Gia giảm:

  • Nếu đầy bụng, nôn oẹ: thêm Hoắc hương 8g, Hậu phác 10g, Bán hạ 10g;
  • Nếu có đau đầu, thêm Bạch chỉ 8g, Màn kinh 12g;
  • Nếu có phiền nhiệt, hàn nhiệt đều nặng, đau mỏi người, không có mồ hôi, thêm Thạch cao 12g, Đại táo 3 quả.

Bài thuốc cổ phương: CỬU VỊ KHƯƠNG HOẠT THANG (Sách Trương Nguyên Tố) – Cảm phong hàn có đau mình mẩy

Thành phần: Khương hoạt 6g, Thương truật 6g, Xuyên khung 4g, Sinh địa 4g Cam thảo 4g, Phòng phong 6g, Tế tân 2g, Bạch chỉ 4g, Hoàng cầm 4g.

Công dụng: Làm ra mồ hôi, trừ thấp, thanh nhiệt ở bên trong cơ thể.

Chủ trị: Cảm phong hàn thấp có ôn nhiệt. Ố hàn phát nóng (vừa có hàn, vừa có nhiệt), không có mồ hôi, đau đầu cứng gáy, thân mình chân tay đau mỏi ê ẩm, miệng đắng và khát.

Phân tích: Khương hoạt phát tán, trừ thấp với sự trợ giúp của Phòng phong, Thương truật. Tế tân, Xuyên khung, Bạch chỉ tán phong hàn, trừ thấp, giảm đau. Hoàng cầm thanh nhiệt ở khí, Sinh địa tiết nhiệt ở huyết.

Gia giảm: Nếu rêu lưỡi trắng cáu dầy, không có miệng đắng khát nước thì bỏ Hoàng cầm, Sinh địa, thêm Chỉ xác, Hậu phác để hành khí hoá thấp, Phòng kỷ đẻ lợi thuỷ trừ thấp.

Bài thuốc cổ phương: SÂM TÔ ẨM (Sách Cục phương) – Cảm phong hàn có ho và người hư yếu, người già, trẻ em bị cảm mạo

Thành phần: Nhân sâm 8g, Tiền hồ 6g, Phục linh 8g, Cát cánh 5g, Tía tô 8g, Bán hạ tẩm gừng sao 8g, Trần bì 5g, Chỉ xác sao cám 5g, Cát căn 8g, Cam thảo 5g, Gừng tươi 3 lát, Đại táo 3 quả.

Công dụng: Ích khí giải biểu, khử đờm chỉ ho

Chủ trị: Cảm phong hàn, bên trong có đàm ẩm (đờm). Ố hàn phát nóng (vừa có hàn, vừa có nhiệt), đau đầu tắc mũi, ho khạc nhiều đờm, ngực hoành đầy tức, rêu lưỡi trắng.

Phân tích: Nhân sâm để bổ nguyên khí, Tô diệp sơ tán phong hàn, Cát căn giải cơ, Bán hạ hoá đờm giáng nghịch, Phục linh thẩm thấp, Trần bì, Chỉ xác lý khí, Cát cánh tuyên phế, Cam thảo điều hoà các vị thuốc.

3. LƯU Ý:

Hiện nay các giáo trình đào tạo cho sinh viên từ Trung cấp đến Đại học đều đưa bài Ma hoàng thang lên đầu tiên để điều trị bệnh cảm mạo phong hàn

Ma hoàng là vị thuốc có tác dụng mãnh liệt đặc biệt là làm ra mồ hôi và trị hen suyễn (thành phần chính là Ephedrin mà YHHĐ chiết xuất để làm thuốc hen suyễn). Tuy nhiên, do tác dụng rất mạnh mẽ dễ làm tổn thương đến chính khí, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng đối với người hư yếu, người già, trẻ em, phụ nữ có thai vì làm ra mồ hôi mà không cầm lại được.

Ma hoàng thang là bài thuốc được lập ra từ thủơ sơ khai của lý luận y học cổ truyền, trong sách Thương hàn luận tử trước năm 200 trước công nguên, do người Trung quốc lập ra để chữa bệnh cho người Trung quốc. Bài thuốc này phù hợp cho người Trung quốc cổ xưa vì thời đó người ta chịu đói rét, đi chân đất, thích nghi với cái lạnh thấu da thịt nên phải dùng bài thuốc có vị khí mạnh thì mới giải cảm được. Tuy nhiên, sau này ngay ở Trung quốc, người ta cũng ít dùng mà lập ra nhiều phương thuôc khác ôn hoà hơn.

Cụ Lãn Ông đã phân tích kỹ trong sách Ngoại cảm thống trị: Nước Nam ta không có bệnh thương hàn mà chỉ là cảm hàn vào mùa đông và cảm mạo vào các mùa khác. Khí hậu nước ta nóng ẩm, khác với phương bắc rất lạnh giá. Bẩm tố của người Việt cũng không khoẻ bằng người TQ. Cụ Lãn Ông viết: “Lĩnh nam ta tuyệt đối không dùng bài Ma hoàng quế chi thang (những bài công phạt mạnh để cho bệnh nhân chịu hại ngấm ngầm)”. 

 

0915.329.743
messenger icon zalo icon