Phương thuốc bổ dương (Lưng đau gối mỏi, bụng dưới lạnh đau, chân tay không ấm, phóng tinh sớm, liệt dương)

08:01:20 21/12/2022 Lượt xem 90 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

PHƯƠNG THUỐC BỔ DƯƠNG

(Lưng đau gối mỏi, bụng dưới lạnh đau, tứ chi không ấm, đái không lợi, phóng tinh sớm, liệt dương)

         

Thường dùng để chữa thận dương hư với các triệu chứng lưng đau gối mỏi tứ chi không ấm, vô lực, bụng dưới lạnh đau co lại, đái không lợi, hoặc đái rắt, liệt dương, phóng tinh sớm, chi thể gầy, mạch trầm tế hoặc mạch xích trầm phục. Các phương thuốc bổ dương thường có các vị Phụ tử, Nhục quế, Đỗ trọng, Ba kích, Phá cố chỉ.

1/ CHỨNG THẬN DƯƠNG HƯ: LƯNG ĐAU GỐI MỎI, NỬA NGƯỜI DƯỚI LẠNH, BỤNG DƯỚI ĐAU CO CẤP, ĐÁI KHÔNG LỢI HOẶC ĐÁI NHIỀU, CƯỚC KHÍ, ĐỜM ẨM

Bài thuốc: Thận khí hoàn (Sách Kim quỹ yếu lược)

Thành phần: Can địa hoàng 8 lạng, Sơn dược 4 lạng, Trạch tả 3 lạng, Phục linh 3 lạng, Đan bì 3 lạng, Sơn thù 4 lạng, Quế chi 1 lạng, Phụ tử 1 lạng

Cách dùng: Làm hoàn mật 15g uống sáng và chiều. Dùng thuốc thang giảm liều cho thích hợp.

Công dụng: Ôn bổ thận dương

Chủ trị: Thận dương bất túc. Lưng đau gối mỏi, nửa người dưới thường có cảm giác lạnh, bụng dưới đau co cấp, đái không lợi hoặc đái nhiều, mạch trầm tế, lưỡi nhạt bệu, rêu mỏng trắng. còn có thể là cước khí, đờm ẩm.

Phân tích: Can địa hoàng tu bổ thận âm . Sơn dược, Sơn thù tu bổ can tỳ, hỗ trợ cho bổ âm của thận. Quế phụ ôn bổ thận dương với mục đích là làm cho thiếu hoả sinh trưởng dần để sinh thận khí (lượng bằng 1/10 lượng thuốc tư âm). Trạch tả, Phục linh lợi thuỷ thẩm thấp. Đan bì thanh tả can hoả. Cảnh Nhạc nói: “Người biết bổ dương tất phải trong âm cầu dương, dương có âm thì mới có thể sinh hoá vô cùng được”. Vì vậy đây là phương thuốc loại “trong âm cầu dương”.

Gia giảm:

  • Nếu có phù chân, đái không lợi thì thay Can địa hoàng bằng Thục địa ½ lạng, Phụ tử ½ lạng, thay Quế chi bằng Quan quế ½ lạng, Phụ tử1/2 lạng, các vị khác đều dùng 1 lạng, thêm Ngưu tất ½ lạng, Xa tiền tử 1 lạng. Cách dùng như Thận khí hoàn, gọi là TẾ SINH THẬN KHÍ HOÀN để ôn bổ thận dương, lợi thuỷ tiêu thũng (Tế sinh phương);
  • Nếu sắc mặt xạm đen, chân lạnh, phù, tai ù điếc, gầy, chân yếu, đái không lợi, cột sống đau thêm Ngũ vị tử lượng bằng Phụ tử, Lộc nhung lượng bằng ½ Phụ tử làm hoàn gọi là THẬP BỔ HOÀN (Tế sinh phương) để bổ tinh khí bất túc.

2/ CHỨNG THẬN DƯƠNG HƯ: BỆNH LÂU NĂM KHÍ SUY THẦN MỆT, SỢ LẠNH, CHÂN TAY LẠNH, DƯƠNG NUY, DI TINH, PHÂN KHÔNG THÀNH KHUÔN, ĐÁI SÓN, LƯNG MỎI GỐI ĐAU, CHI DƯỚI PHÙ

Bài thuốc: HỮU QUY HOÀN (Sách Cảnh Nhạc toàn thư)

Thành phần: Thục địa 8 lạng, Sơn dược 4 lạng, Sơn thù 4 lạng, Câu kỷ 4 lạng, Lộc giác giao 4 lạng, Thỏ ty tử 4 lạng, Đỗ trọng 4 lạng, Đương quy 3 lạng, Nhục quế 3 lạng, Chế phụ tử 2-6 lạng

Cách dùng: Làm hoàn mật 15g uống sáng và tối mỗi lần một hoàn. Dùng thuốc thang giảm liều lấy đc thay lạng.

Công dụng: Ôn bổ thận dương, điền tinh bổ huyết

Chủ trị: Thận dương bất túc, mệnh môn hoả suy. Bệnh lâu năm khí suy thần mệt, sợ lạnh, chân tay lạnh, hoặc dương nuy di tinh hoặc dương suy không có con, hoặc phân không thành khuôn, lỏng, hoặc đái són, hoặc lưng mỏi gối đau, chi dưới phù.

Phân tích: Quế, Phụ, Lộc giao ôn bổ thận dương, điền tinh bổ tuỷ. Thục, Sơn dược, Sơn thù, Thỏ ty tử, Đỗ trọng để tư âm ích thận, dưỡng can bổ tỳ. Quy để bổ huyết dưỡng can.

Gia giảm:

  • Nếu dương suy khí hư thêm Nhân sâm 2-3 lạng;
  • Nếu dương hư hoạt tinh, phụ nữ khí hư, ỉa lỏng thêm Phá cố chỉ 3 lạng;
  • Nếu ỉa lỏng do tỳ thận dương hư thêm Ngũ vị tử 3 lạng, Nhục đậu khấu 3 lạng (sao cám);
  • Nếu ăn ít hoặc khó tiêu, hoặc nôn ợ nuốt chua (tỳ hư hàn) thêm Can khương 3-4 lạng sao vàng. Nếu bụng đau không dứt thêm Ngô thù du 2 lạng;
  • Nếu lưng đau gối mỏi thêm Hồ đào nhục 4 lạng;
  • Nếu âm hư dương nuy thêm Ba kích thiên 4 lạng, Nhục thung dung 3 lạng, Thận chó vàng 1-2 quả.

Chú ý: Phương thuốc Hữu quy hoàn là Thận khí hoàn bớt Linh, Trạch, Đan, thêm Lộc giao, Thỏ ty tử, Câu kỷ, Đỗ trọng, Đương quy nên tác dụng chính là bổ ích âm dương của thận, không có tác dụng tả như Thận khí hoàn.

Nếu thận dương bất túc có âm thịnh cách dương hoặc chân hàn giả nhiệt rõ thì có thể bỏ Lộc giao, Thỏ ty tử, Đương quy thêm Cam thảo gọi là HỮU QUY ẨM (Cảnh nhạc toàn thư).

3/ CHỨNG HƯ LAO, SỢ LẠNH, HO HEN, ĐỜM DÃI, NGƯỜI ĐEN GẦY, ĂN KÉM, BÍ ĐÁI, PHÂN LỎNG

Bài thuốc: BỔ DƯƠNG TIẾP ÂM PHƯƠNG (Sách Hiệu phỏng tân phương)

Thành phần: Bạch truật 1,5 lạng; Chích thảo 4 phân, Bố chính sâm sao với gạo 1 lạng, Thục địa sấy khô 1 lạng, Đại phụ tử 1,5đc

Cách dùng: Sắc uống.

Công dụng: Bổ dương tiếp âm

Chủ trị: Hư lao, sợ lạnh, ho hen, đờm dãi nghẹn tắc ở họng, thuỷ không thông lợi. Hình thể đen gầy. Ăn uống ngày một sút kém, tiểu tiện bí gắt, đại tiện lỏng.

Phàm chứng dương hư hiện ra 10 phần, âm hư 7-8 phần thì dùng phương này để bổ dương tiếp âm

Phân tích: Bạch truật làm quân hợp với Sâm để bổ trung khí cứu dương. Thục địa làm thần để tư âm giáng hoả. Chích thảo để dẫn Sâm, Truật vào tỳ, giữ vứng trung khí. Phụ tử làm tá ôn dương và dẫn thuốc đi đủ 12 kinh mạch. Như vậy có bổ dương rồi tiếp âm. Tiếp rồi lại bổ, làm cho âm dương cân bằng, bình hoà, vứng chắc.

Gia giảm:

  • Mỏi mệt lắm, hơi không đủ để thở hoặc hư mà khát, thêm Mạch môn;
  • Mồ hôi nhiều lắm thêm Hoàng kỳ sao, Ngũ vị; Ỉa lỏng lắm thêm Sơn dược sao đen, Đậu khấu nướng chin;
  • Chướng đầy thêm Trầm hương;
  • Hàn trệ thêm Nhục quế.

4/ CHỨNG TỲ THẬN DƯƠNG HƯ, ỈA LỎNG, PHÙ THŨNG, HƯ CHƯỚNG, ĐAU ĐỈNH ĐẦU, CHẨY DÃI, HO

Bài thuốc: ĐIỀU NGUYÊN CỨU BẢN THANG (Sách Hiệu phỏng tân phương)

Thành phần: Bạch truật sao khô 1 lạng; Sơn dược sao với gạo 3đc, Thục địa nướng 2đc, Thỏ ty tử 4đc, Phá cố chỉ 3đc, Nhục quế 8 phân.

Cách dùng: Sắc uống lúc thuốc còn ấm

Công dụng: Bổ tỳ thận dương.

Chủ trị: Tỳ thận dương hư, ỉa lỏng, phù thũng, hư chướng, đau đỉnh đầu, chẩy dãi, ho.

Phân tích: Bạch truật làm quân để bổ tỳ dương. Sơn dược là vị thuốc cần thiết của tỳ vị, kiêm bổ dương khí trong thận làm thần. Thỏ ty tử làm tá bổ ích tỳ vị tăng thêm ăn uống, lại bổ thận tinh, rất có thể bổ dương khí của tỳ thận. Thục địa sao cho thật thơm để đi tắt vào tỳ, dùng làm tá. Phá cố chỉ có thể cứu phần suy lạnh hay ỉa lỏng ở trong chứng hoả suy, làm sứ. Nhục quế bổ tướng hoả của thận kiêm bổ dương của tỳ vị, hơn nữa nó còn là thuốc công dụng làm chức năng tá sứ làm thần cho Bạch truật, thì có thể giúp công năng cường kiện của dương, làm thần cho Thục địa thì có sức mạnh làm ấm thận hoả, vì thế dùng làm vị hướng đạo.

Gia giảm:

  • Ỉa lỏng nhiều thêm Nhục đậu khấu;
  • Hư chướng thêm Mộc hương;
  • Đờm tắc không thông thêm Ngũ vị;
  • Trúng hàn nặng thêm Đại phụ tử.

5/ CHỨNG SINH DỤC YẾU DO THẬN DƯƠNG HƯ, ĐAU LƯNG MỎI GỐI, DI TINH, LIỆT DƯƠNG

Bài thuốc: VIÊN THẬN DƯƠNG HƯ (Sách thuốc nam châm cứu Viện đông y)

Thành phần: Sừng hươu 200g, Sơn dược sao 160g, Tiểu hồi 60g, Phụ tử chế 16g, Thục địa 160g, Ba kích 80g, Quế 30g, Mật ong vừa đủ.

Cách dùng: Sừng hươu cạo sạch da ngoài, cưa thành từng khúc ngắn 5cm, dùng cám nếp tẩm ướt bao quanh dầy 2 phân nướng trong lò than độ 40 phút khi sừng bở ra là được, bỏ cám lấy sừng. Ba kích tẩm rượu rồi sao khô. Củ mài sao chin, Tiểu hồi sao qua. Quế bỏ vỏ ngoài. Tán mịn các vị, rây kỹ, luyện với Mật ong làm viên. Mỗi ngày uống 3 lần khi đói và trước khi đi ngủ. Mỗi lần uống 16-20g.

Công dụng: Bổ thận tráng dương

Chủ trị: Sinh dục yếu do thận dương hư. Đau thắt lưng, mỏi gối, di tinh, mộng tinh, liệt dương, tiết tinh, mạch vi trì, nhược.

Phân tích: Sừng hươu, Phụ tử, Nhục quế, Ba kích để ôn bổ thận dương. Tiểu hồi ôn bổ tỳ thận. Thục địa, Củ mài tư âm, ích thận, bổ tỳ.

Gia giảm:

Nếu liệt dương thêm Tắc kè 1 cặp

Cách chế Tắc kè: Chặt bỏ một chút mồm, bỏ mắt, rửa sạch, thái nhỏ tẩm gừng rượu cho đều, sao thật chin rờn, tán mịn, rây rồi trộn vào thuốc trên để làm hoàn.

0915.329.743
messenger icon zalo icon