Phương thuốc bổ khí (Mệt mỏi, thở ngắn, ăn ít)

08:55:53 17/12/2022 Lượt xem 108 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

PHƯƠNG THUỐC BỔ KHÍ

          Các phương thuốc bổ khí dùng để chữa tỳ phế khí hư, với các chứng thân thể mệt mỏi không có sức, đoản khí, vận động thì thở gấp, tiếng nói nhỏ, sắc mặt bệch, ăn uống không ngon miệng, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt, mạch yếu hoặc hư đại, nếu nóng thì có hư nhiệt, hư hàn hoặc lòi dom, sa tử cung. Thường dùng các thuốc Nhân sâm, Bạch truật, Hoàng kỳ, Cam thảo để phồi ngũ với thuốc hành khí, thẩm thấp, sinh huyết, dưỡng âm.

1/ CHỨNG TỲ VỊ KHÍ HƯ: MẶT BỆCH, TIẾNG NÓI NHỎ YẾU, CHÂN TAY YẾU, ĂN ÍT, HOẶC ỈA SỘT SỆT

Bài thuốc: TỨ QUÂN TỬ THANG (Sách Cục phương)

Thành phần: Nhân sâm 10g, Bạch truật 9g, Phục linh 9g, Cam thảo 6g

Cách dùng: Tán nhỏ, mỗi lần dùng 2đc sắc uống hoặc dùng thuốc thang.

Công dụng: Ích khí kiện tỳ

Chủ trị: Tỳ vị khí hư. Mặt bệch, tiếng nói nhỏ yếu, chân tay không có sức, ăn ít hoặc ỉa sột sệt, lưỡi nhạt, mạch tế hoãn.

Phân tích: Nhân sâm (cam ôn) để đại bổ nguyên khí, kiện tỳ dưỡng vị. Bạch truật (khổ ôn) để kiện tỳ táo thấp. Phục linh (cam đạm) để thẩm thấp kiện tỳ. Phục linh, Bạch truật để tăng tác dụng kiện tỳ trừ thấp, thúc đẩy quá trình vận hoá. Cam thảo chích (cam ôn) để điều hoà trung tiêu.

Gia giảm:

          - Ngực bụng trên bĩ khó chịu, hoặc nôn ỉa, thêm Trần bì 9g để lý khí hoà vị, gọi là Dị công tán (Tiểu nhi dược chứng trực quyết);

          - Đờm thấp không muốn ăn, buồn nôn hoặc ho khạc đờm nhiều loãng, thêm Trần bì 9g, Bán hạ 12g để chỉ nôn, gọi là Lục quân tử thang (Phu nhân lương phương);

          - Hàn thấp trệ ở trung tiêu (ăn kém, bụng trên căng đầy, đau nôn, ỉa lỏng) thêm Hương phụ (nay dùng Mộc hương) 6g, Sa nhân 6g để lý khí chỉ thống gọi là Hương sa lục quân tử thang (Y phương tập giải);

          - Trẻ em nguyên khí bất túc (như dương dư, đậu chẩn hãm lại, huyết hư, huyết tương loãng) hoặc hư lao tổn nhiều (mệt mỏi không có sức, khí thiếu sợ lạnh) thì bỏ Truật, Linh, thêm Hoàng kỳ 20g, Nhục quế 8g, đổi lượng Nhân sâm thành 20g, Cam thảo 5g để bổ khí ôn dương, gọi là Bảo nguyên thang (Bác ái tâm giám).

2/ CHỨNG TỲ VỊ HƯ NHƯỢC, ĂN ÍT, PHÂN NHÃO HOẶC ỈA CHẨY, NÔN, CHÂN TAY YẾU, NGƯỜI GẦY, NGỰC BỤNG TRÊN CĂNG

Bài thuốc: SÂM LINH BẠCH TRUẬT TÁN (Sách Cục phương)

Thành phần: Nhân sâm 2 cân, Bạch truật 2 cân, Bạch linh 2 cân, Cam thảo 2 cân, Ý dĩ 1 cân, Sa nhân 1 cân, Bạch biển đậu 0,5 cân, Cát cánh 1 cân, Sơn dược 2 cân.

Cách dùng: Tán nhỏ, mỗi lần dùng 2đc sắc với nước Đại táo hoặc dùng thuốc thang, lấy đc thay cân.

Công dụng: Ích khí kiện tỳ, thẩm thấp chỉ tả

Chủ trị: Tỳ vị hư nhược, ăn ít, phân nhão hoặc ỉa chẩy, chân tay không có sức, người gầy, ngực bụng trên căng, khó chịu, sắc mặt vàng xấu (uỷ hoàng), rêu lưỡi trắng, chất hồng nhạt, mạch tế hoặc hư hoãn.

Phân tích: Sâm, Linh, Truật, Thảo để bổ khí của tỳ vị. Biển đậu, Ý dĩ, Hoài sơn (cam đạm), Liên tử (cam sáp) bổ trợ cho Bạch truật để vừa kiện tỳ, vừa thẩm thấp chỉ tả. Sa nhân (tân ôn) để tỉnh tỳ. Cát cánh để dẫn thuốc vào kinh phế, nhằm ích phế khí.

Gia giảm: Nếu tỳ vị hư đã lâu, có thấp hàn làm trở ngại trung tiêu gây ỉa chẩy, nôn không cầm được thì phương trên chỉ giữ Sâm 7g, Linh 15g, Truật 15g, Thảo 3g, bỏ các vị khác, thêm Hoắc hương 15g, Mộc hương 6g, Cát căn 15g để kiện tỳ chỉ tả gọi là Thất vị Bạch truật tán (Tiểu nhi dược chứng trực quyết).

3/ CHỨNG TỲ VỊ KHÍ HƯ, SỐT, RA MỒ HÔI, MỆT, CHÂN TAY YẾU, MẶT TRẮNG BỆCH; KHÍ HƯ HẠ HÃM: LÒI DOM, SA DẠ CON, ỈA LỎNG MẠN, LỴ MẠN, SỐT RÉT MẠN

Bài thuốc: BỔ TRUNG ÍCH KHÍ THANG (Sách Tỳ vị luận)

Thành phần: Hoàng kỳ 5-15g, Nhân sâm 10g, Trần bì 6g, Sài hồ 3g, Cam thảo chích 5g, Đương quy 10g, Thăng ma 3g, Bạch truật 10g

Công dụng: Bổ trung ích khí, thăng dương cử hãm

Chủ trị:

  1. Tỳ vị khí hư, người nóng, ra mồ hôi, khát, thích uống ấm, thiểu khí lười nói, người mệt mỏi, chân tay yếu, sắc mặt trắng bệch, ỉa lỏng, mạch hư hồng, chất lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng;
  2. Khí hư hạ hãm: Lòi dom, sa dạ con, ỉa lỏng mạn, lỵ mạn, sốt rét mạn.

Phân tích: Hoàng kỳ phối ngũ với Sâm, Thảo để kiện tỳ ích khí, phối ngũ với Trần bì để lý khí, với Đương quy để bổ huyết. Thăng ma, Sài hồ để thăng cử thanh dương bị hãm ở dưới. Tại sao phương thuốc này chữa được khí hư phát nhiệt? Lý Đông Viên nói: “Tổn thương tỳ vị ở trong là tổn thương khí của nó. Ngoại cảm phong hàn là tổn thương cái hình của nó. Tổn thương ở ngoài là hữu dư, hữu dư thì tả nó. Tổn thương ở trong là bất túc, bất túc thì bổ nó.” Nội kinh viết: “Lao giả ôn chi, tổn giả ích chi (người bị lao thì làm ấm nó, người bị tổn thì bổ ích nó). Cho nên ôn có thể trừ đại nhiệt, đại kỵ dùng thuốc bổ hàn để tả vị thổ, tôi lập phương thuốc bổ trung ích khí này”.

Gia giảm:

  • Cảnh Nhạc bớt Đương quy, Trần bì, Sài hồ làm thành phương thuốc Cử nguyên ẩm: Sâm 3-5đc, Kỳ 3-5đc, Thảo 1-2đc, Thăng ma 0,5-0,7đc, Truật 1-2đc. Nếu dương khí hư hàn thêm Quế, Phụ, Can khương. Nếu hoạt thoát thêm Ô mai 2 quả. Công dụng ích khí thăng đề. Chủ trị: Khí hư hạ hãm, huyết thoát vong dương, huyết băng. Phương thuốc này không cớ thuốc về huyết Đương quy. Chủ yếu chữa băng lậu huyết thoát vong dương tỳ khí hư hạ hãm. Vì vậy coi trọng Nhân sâm;
  •  Nếu tông khí ở ngực hạ hãm gây thở gấp, thở nhanh, hơi thở ngắn, thở khó mạch trầm trì vi nhược, thì dùng: Sinh kỳ 1đc, Tri mẫu 3đc, Sài hồ 1,5đc, Cát cánh 1,5đc, Thăng ma 1đc để đại bổ phế khí (Hoàng kỳ), đưa khí đi lên (Thăng ma), dẫn thuốc vào phế (Cát cánh), chế tính ôn của kỳ (Tri mẫu). Phương thuốc này lấy ý của phương thuốc Bổ trung ích khí, chủ yếu chữa chứng tông khí ở ngực hạ hãm, gọi là THĂNG HÃM THANG (Y học trung trung tham tây lục)

4/ CHỨNG DƯƠNG KHÍ HƯ: GẦY XANH HOẶC BÉO BỆU, THỞ NGẮN, MỆT, ĂN KÉM, RẤT SỢ LẠNH, ĐẦY CHƯỚNG, ỈA LỎNG

Bài thuốc: HẬU THIÊN BÁT VỊ PHƯƠNG (Sách Hiệu phỏng tân phương)

Thành phần: Bố chính sâm 1 lạng, Bạch truật tẩm mật sao 5đc, Chích thảo 1đc, Mạch môn 1đc, Hoàng kỳ tẩm mật sao 2đc, Ngũ vị tẩm mật sao, nghiền ra 1đc, Liên nhục sao 1,5đc, Phụ tử 3 phân

Cách dùng: Gia Đại táo, Gừng nướng sắc uống

Công dụng: Ôn bổ dương khí hậu thiên

Chủ trị: Dương khí hậu thiên hư tổn. Hình thể gầy xanh hoặc béo bệu, hơi thở ngắn mỏi mệt, ăn không biết ngon, rất sợ lạnh, dễ sinh đầy chướng ỉa lỏng, hoặc tỳ hư không thể liễm được hoả phát sốt phiền khát

Phân tích: Sách nói: “Chân dương tiên thiên hư thì bổ mệnh môn hoả, chân dương hậu thiên hư thì bổ tỳ phế”. Trọng Cảnh dùng Bát vị bổ dương tiên thiên. Đan Khê dùng Tứ quân bổ dương hậu thiên. Bổ trung ích khí của Đông Viên là phương thuốc chữa tỳ rất hay.

Bố chính sâm, Bạch truật là phương thuốc chính của tỳ phế, lấy Hoàng kỳ làm tá đi theo Bố chính sâm để bổ phế khí, đi theo Bạch truật thì bổ vị dương. Chích thảo để điều hoà. Mạch môn, Ngũ vị để nhuận phế. Liên nhục là thuốc hay của tạng tỳ, có tỳ dẫn hoả vào trong thổ để gây tác dụng cho nguồn gốc hoá sinh.

Phương thuốc này tuy không giống như tính vị của các bài Tứ quân, Bổ trung  nhưng cũng không trái với ý nghĩa của Chu   Đan Khê và Lý Đông Viên.

Gia giảm:

  • Trúng hàn đau bụng, ỉa lỏng thêm Đậu khấu, Can khương;
  • Dương hư âm lấn mà hãm xuống thêm Thăng ma (tẩm rượu sao);
  • Ngoại cảm nóng rét qua lại thêm Sài hồ, Bán hạ;
  • Khí chướng (đầy hơi) thêm Trầm hương mài, Gừng nướng;
  • Đờm nhiều thêm Trần bì, Bán hạ;
  • Ngón tay, bắp thịt máy giật thêm Tần giao, Quan quế;
  • Ra mồ hôi thêm Phòng phong, quá lắm thêm Ma hoàng căn;
  • Vị hư nôn bỏ Gừng, Táo thêm Nước gừng, Bán hạ; Khí nghịch nôn khan bổ Phụ tử thêm Ý dĩ, Đăng tâm.

5/ CHỨNG NẮNG NỐNG RA NHIỀU MỒ HÔI, KHÁT, MỆT; CHỨNG HO LÂU, ÍT ĐỜM, MỒ HÔI, MIỆNG KHÔ

Bài thuốc: SINH MẠCH TÁN (Sách Nội ngoại thương biện hoặc luận)

Thành phần: Nhân sâm 10g, Ngũ vị 7 hạt, Mạch môn 15g

Cách dùng: Sắc 3 nước uống trong một ngày không kể giờ giấc.

Công dụng: Ích khí sinh tân liễm âm chỉ hãn

Chủ trị:

  1. Nắng nóng làm ra nhiều mồ hôi, làm tổn thương tân dịch, hao khí. Người mệt khí đoản, miệng khô khát, mạch hư tế;
  2. Ho lâu, phế hư, khí âm lưỡng hư. Ho ít đờm, khí đoản, tự ra mồ hôi, miệng khô, lưỡi ráo, rêu mỏng, ít dịch, mạch hư sác hoặc hư tế.

Phân tích: Sâm (cam bình) để bổ phế, đại bổ nguyên khí. Mạch môn (cam hàn) để dưỡng âm sinh tân, thanh hư nhiệt, trừ phiền. Ngũ vị tử toan thu liễm phế, làm ngứng ra mồ hôi.“Muốn thu liễm phế khí cần dùng ngay thuốc có vị chua”.

Ngày nay còn dùng phương thuốc này để chữa tim đập hồi hộp, ngực tức, khí đoản, ra mồ hôi, miệng khô muốn uống, ngủ kém, lưỡi nhợt ít dịch, mạch kết đại.

Gia giảm: Đông Viên thêm Hoàng kỳ, Cam thảo gọi là SINH MẠCH BẢO NGUYÊN THANG để uống vào mùa hè, khí lực sẽ dồi dào, lại thêm Quy, Thược gọi là NHÂN SÂM ẨM TỬ để chữa khí hư suyễn ho, thổ huyết chẩy máu cam.

6/ CHỨNG HO LÂU KHÍ SUYỄN, ĐỜM ĐẶC VÀNG, HOẶC HO RA MÁU MỦ, PHIỀN NHIỆT, HOẶC MẶT MẮT PHÙ

Bài thuốc: NHÂN SÂM CÁP GIỚI TÁN (Sách Vệ sinh bảo giám)

Thành phần: Nhân sâm 2 lạng, Tắc kè 1 đôi (dùng rượu rử sạch, hong trên lửa nhỏ cho khô, âm can, tán mịn), Hạnh nhân 5 lạng, Cam thảo 5 lạng, Phục linh 2 lạng, Bối mẫu 2 lạng, Tang bạch bì 2 lạng, Tri mẫu 2 lạng.

Cách dùng: 8 vị tán mịn, bỏ vào lọ kín, ngày uống 2 lần, mỗi lần 2đc vào buổi sớm và lúc tối chưa ăn uống gì, chiêu bằng nước chè hoặc nước sôi để ấm.

Công dụng: Ích khí thanh phế, chỉ khát định suyễn

Chủ trị: Ho lâu khí suyễn, đờm đặc vàng, hoặc ho máu mủ ngực bồn chồn nóng (phiền nhiệt), người gầy dần, hoặc mặt mắt phù, mạch phù hư, hoặc bênh lâu thành phế nuy.

Phân tích: Tắc kè để bổ thận nạp khí định suyễn. Nhân sâm để đại bổ nguyên khí, ích tỳ phế. Phục linh để ích tỳ thẩm thấp. Tang bạch bì, Hạnh nhân để lợi phế khí, giáng nghịch. Bối mẫu để thanh nhiệt phế, khai uất hoá đờm. Tri mẫu để thanh phế nhiệt, tư thận nạp khí. Cam thảo để bổ tỳ.

Gia giảm: Nếu phế thận lưỡng hư, ho lâu khí suyễn song có biểu hiện hàn (khác với trên là có nhiệt) thì dùng NHÂN SÂM HỒ ĐÀO THANG (Tế sinh phương), chỉ giữ Nhân sâm 8g thêm Hồ đào nhục 5 quả và bỏ hết các vị thuốc khác, để bổ thận, định suyễn nghịch.

0915.329.743
messenger icon zalo icon