Sống chung với Covid 19

Đông Y Khang 18:13:40 20/01/2022 Lượt xem 114 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

 

Cũng như bệnh Cúm luôn tồn tại, không thể loại Covid ra khỏi cộng đồng. Sống chung với Covid không có nghĩa là lơ là chủ quan mà phải biết cách ứng phó kịp thời.

1/ VIRUS LÀ GÌ?

Virus là vi sinh vật rất nhỏ bé, chưa có cấu tạo tế bào, nó chỉ là một đơn vị sinh học, biểu hiện những tính chất cơ bản của sự sống. Virus xâm nhập vào cơ thể rồi nhân lên ở tế bào cảm thụ.

Virus có thể làm huỷ hoại tế bào chủ, làm sai lệch nhiễm sắc thể của tế bào gây ra dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sinh khối u.

2/ COVID 19 LÀ GÌ?

Cúm và Covid 19 đều là các bệnh hô hấp truyền nhiễm nhưng do các loại virus khác nhau gây ra.  Covid 19 là do virus corona chủng mới, còn Cùm là căn bệnh nhiễm virus Cúm.

Covid 19 dường như dễ lây lan hơn bệnh Cúm và gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng hơn ở một số người. Mọi người cũng có thể mắc bệnh trong thời gian dài hơn trước khi xuất hiện các triệu chứng và gây lây nhiễm lâu hơn.

3/ TRIỆU CHỨNG CỦA COVID 19

Covid 19 và bệnh Cúm có nhiều biểu hiện giống nhau: sốt, ho, đau đầu; Ở giai đoạn toàn phát thường có thêm các triệu chứng buồn nôn, tiêu chẩy…      

Tuy nhiên có dấu hiệu khác biệt là Cúm thường hay bị hắt hơi, sổ mũi, còn triệu chứng này ở Covid thì ít gặp hơn.

Triệu chứng điển hình của Covid 19 là: sốt, ho, khó thở. Ngoài ra có thể xuất hiện một số triệu chứng khác: Ớn lạnh; Hụt hơi; Mệt mỏi; Đau cơ hoặc đau người; Đau đầu; Mất vị giác hoặc khứu giác; Đau họng; Buồn nôn hoặc nôn mửa; Tiêu chẩy….

4/ NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ COVID 19 BẰNG Y HỌC HIỆN ĐẠI

Cúm và Covid 19 chưa có thuốc đặc hiệu mà phải điều trị theo triệu chứng. Hiện nay có một số loại thuốc chống sự nhân lên của virus như Mulnupiravir, Remdevisir…, thuốc ức chế phản ứng miễn dịch như Intenlenkin-6, Baricitinib…

Sở Y tế thành phố HCM có hướng dẫn số 8728 điều trị bệnh Covid thể nhẹ tại nhà. Sử dụng 3 gói thuốc: Gói A gồm thuốc hạ sốt, giảm đau (Paracetamon) và thuốc tăng cường thể lực (Vitamin tổng hợp, Vitamin C); Gói B là thuốc kháng viêm, chống đông; Gói C là thuốc kháng virus. Việc sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sỹ.

Khi có các triệu chứng nhẹ như hắt hơi, sổ mũi… nếu  điều trị ngay thì virus khó có thể xâm nhập vào sâu và có thể nhanh chóng khỏi bệnh. Paracetamon thuộc loại thuốc lành tính, rất hiệu quả đối với các triệu chứng hắt hơi sổ mũi, đau đầu, hạ sốt và cũng có thể làm giảm đau.

5/ ĐIỀU TRỊ COVID BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN (YHCT)

5.1 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA YHCT

Y học cổ truyền không có khái niệm về virus nhưng cho rằng nguyên nhân chính của bệnh tât bao gồm: Nguyên nhân bên trong như sự suy yếu của các tạng phủ, do ăn uống và do tình chí (lo, nghĩ, mừng, giận, vui, buồn… thái quá). Nguyên nhân bên ngoại do 6 loại tà khí (lục dâm): Phong (gió); Hàn (khí lạnh), Táo (khí khô ráo), Thấp (khí ẩm ướt), Thử (khí nắng); Nhiệt (khí nóng). Ngoài ra còn một thứ bệnh gọi là Ôn dịch xẩy ra theo mùa, thường bắt đầu từ cuối đông, đầu xuân do sự khác thường của thời tiết, khí hậu. Covid là một thứ Ôn dịch mà YHCT đã nói đến từ lâu. Như vậy, theo YHCT, Covid là một chứng ngoại cảm vừa có yếu tố Lục dâm nhưng có thêm yếu tố dịch bệnh.

Cơ sở lý luận của YHCT là học thuyết Âm dương, học thuyết Ngũ hành tương sinh, tương khắc, học thuyết Thiên nhân hợp nhất. Bệnh tật là do sự mất cân bằng âm dương. Khi chính khí hư yếu, tà khí dễ xâm nhập vào cơ thể thường gây ra cảm mạo mà phổ biến nhất chứng cảm mạo phong hàn và cảm mạo phong nhiệt, còn có chứng phong thấp hàn, phong thấp nhiệt,

Tuy nhiên, khác với cảm mạo thông thường, Covid 19 là chứng Thấp hàn, Thấp nhiệt. Bệnh cảm mạo thông thường và bệnh Covid 19 giống nhau là đều chịu ảnh hưởng của các yếu tố Hàn và Nhiệt, nhưng cảm mạo chịu thêm ảnh hưởng của yếu tố Phong và  Thấp, còn Covid 19 chịu ảnh nhiều của Thấp mà ít có yếu tố Phong. Vì vậy, trong cách phòng và điều trị Covid phải chú trọng khí Thấp (tránh và khống chế điều kiện ẩm ướt) là rất quan trọng.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, YHCT điều trị khá hiệu quả các bệnh ngoại cảm. Trung Quốc điều trị rất tốt bệnh Covid bằng việc kết hợp YHCT và Y học hiện đại. Ở Việt Nam, nhiều địa phương đã sử dụng đông dược hỗ trợ rất tích cực cho điều trị Covid 19. Ở giai đoạn khởi phát, điều trị bằng YHCT rất hiệu quả. Nhưng nếu có biến chứng như hôn mê sâu, tiêu chẩy, khó thở… cần chuyển sang điều trị bằng y học hiện đại là chính vì với các thiết bị hiện đại, khả năng cấp cứu và xử lý các biến chứng sẽ an toàn hơn.

Khi có hiện tượng cảm mạo, điều cần thiết là phải phân biệt rõ chứng Hàn (lạnh) hay chứng Nhiệt (nóng). Nếu lẫn lộn dẫn đến việc điều trị không hiệu quả thậm chí bệnh nặng thêm. Vì vậy có những khuyến cáo về các loại đông dược chế biến sắn, bán trên thị trường là không đúng mà phải tuỳ theo triệu chứng cụ thể và diễn biến của bệnh tật.

Chứng Hàn có  biểu hiện sợ rét (sợ lạnh). Thể Hàn và Nhiệt đều có thể bị sốt, nhưng thể Hàn thường sốt nhẹ, còn thể Nhiệt sốt nhẹ đến sốt cao. Thể Hàn thường không có mồ hôi (một số ít trường hợp có mồ hôi do biểu hư), còn thể Nhiệt thường ra nhiều mồ hôi. Thể Hàn thường hắt hơi, ngạt mũi, chẩy nước mũi, ho đờm loãng còn thể  nhiệt ho đờm đặc hoặc ho khan, đau họng.

Chế độ ăn và sinh hoạt cũng phải lưu ý: không ăn đồ sống, lạnh, giữ ấm khi bị thể Hàn; Không ăn đồ cay, nóng, giữ mát khi bị thể Nhiệt. Cả hai chứng đều phải tránh ẩm thấp.

YHCT có nhiều bài thuốc cổ phương điều trị chứng cảm mạo và chứng ôn dịch. Trong bài viết này chỉ chọn lọc giới thiệu một số bài thuốc cổ theo Hướng dẫn điều trị bệnh Covid bằng YHCT ban hành theo Quyết định số 4539 ngày 25/9/2021 của Bộ Y tế (tôi thêm vào mục phân tích để thấy rõ hơn tác dụng của bài thuốc). Hướng dấn này rất khoa học vì nó được tổng hợp từ những tinh tuý của YHCT.

Theo hướng dẫn này, bệnh Covid 19 thể nhẹ thường có 2 chứng Hàn thấp và Nhiệt thấp, ngoài ra còn có trường hợp nhiễm Covid nhưng không có triệu chứng.

Lưu ý: Không dùng các bài thuốc này cho trẻ em và thận trọng đối phụ nữ có thai.

5.2 ĐIỀU TRỊ CHỨNG COVID HÀN THẤP BẰNG YHCT

5.2.1 Triệu chứng: Sốt, sợ lạnh, người mệt, toàn thân mỏi đau, ho, khạc đờm, ngực tức khó chịu, không muốn ăn, buồn nôn, nôn, đại tiến dính nhớt không thông. Chất lưỡi bệu nhạt có hằn răng hoặc hồng, rêu trắng dầy bẩn nhớt hoặc trắng nhớt.

5.2.2 Pháp điều trị: Hoá thấp thấu tà, ôn phế chỉ khái

5.2.3 Bài thuốc 1: Sâm tô ẩm.

Nhân sâm, Lá tía tô, Cát căn, Phục linh đều 12g Tiền hồ, Trần bì, Chỉ xác, Cát cánh, Cam thảo đều 8g, Bán hạ, Mộc hương đều 6g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống khi còn ấm. Hoặc dùng thuốc bột, hãm như pha trà với 150ml nước, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 12-15g.

Chủ trị: Cảm hàn, bên trong có đàm ẩm. Ố hàn phát nóng, đau đầu, tắc mũi, ho khạc nhiều đờm, ngực hoành đầy tức, rêu lưỡi trắng.

Phân tích bài thuốc: Nhân sâm để bổ nguyên khí, Tía tô phát tán phong hàn, Cát căn giải cơ, Tiền hồ, Bán hạ tiêu đờm; Phục linh thẩm thấp; Trần bì, Chỉ xác, Mộc hương hành khí, Cát cánh tuyên phế, thông hầu họng, Cam thảo điều hoà các vị thuốc.

5.2.4 Bài thuốc 2: Hoắc hương chính khí

Thành phần: Hoắc hương, Phục linh, Bán hạ  đều 12 g, Tử tô, Bạch truật, Đại phúc bì đều 10g, Cát cánh, Trần bì, Hậu phác đều 6g, Bạch chỉ, Cam thảo đều 4g

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống khi còn ấm. Hoặc dùng thuốc bột, hãm như pha trà với 150ml nước, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 12-15g.

Chủ trị: Cảm hàn, có thấp trệ, nôn ỉa, sốt, sợ lạnh, đau đầu, ngực hoành đầy tức, bụng trên đau, lưỡi rêu cáu, sốt rét.

Phân tích bài thuốc: Hoắc hương tân ôn tán hàn, thăng thanh hoá trọc; Tô diệp, Bạch chỉ phát tán giúp Hoắc hương vừa tán hàn ở ngòi, vừa hoá trọc ở trong; Bán hạ, Trần bì táo thấp hoà vị, giáng nghịch chỉ nôn; Bạch truật, Phục linh kiện tỳ vận thấp, hoà trung chỉ tả; Hậu phác, Đại phúc bì hành khí hoá thấp, làm thông trung tiêu, trừ đầy; Cát cánh thông khí lợi hoành; Cam thảo điều hoà các vị thuốc.

5.2.5 Bài thuốc 3: Nhân sâm bại độc

Thành phần: Sài hồ, Bạch linh, Nhân sâm, Tiền hồ, Cát cánh, Xuyên khung, Chỉ xác, Khương hoạt, Độc hoạt, Cam thảo đều 12g.

Cách dùng: Thêm sinh khương, Bạc hà sắc uống, ngày 2 lần lúc thuốc còn ấm hoặc tán bột, hãm trà, mỗi lần uống 8g với nước sắc Sinh khương, Bạc hà, uống 2 lần/ngày.

Chủ trị: Cảm phong hàn thấp. Sợ lạnh, sốt cao, đầu gáy cứng đau, thân thể đau ê ẩm, không có mồ hôi, tắc mũi,tiếng nói nặng, ho khạc đờm, ngực tắc đầy, rêu lưỡi trắng cáu.

Phân tích bài thuốc: Khương hoạt, Độc hoạt tân ôn, trị phong, hàn, thấp. Sinh khương, Bạc hà tán phong hàn, Xuyên khung hành huyêt, Sài hồ giải cơ, Chỉ thực giáng khí, Cát cánh khai phế, Tiền hồ khử đờm, trị ho, Phục linh thẩm thấp, Nhân sâm bổ nguyên khí, Cam thảo điều hoà các vị thuốc.

Như vậy, nếu phối hợp các bài thuốc trên cỏ thể điều trị khá toàn diện các triệu chứng. Bài 1 chủ trị ho, tức ngực, khó thở; Bài 2 trị các chứng thấp làm ảnh hưởng đến công năng của tỳ vị; Bài 3 trị chứng thấp làm đau mình mẩy.

5.3 ĐIỀU TRỊ BỆNH COVID THỂ THẤP NHIỆT BẰNG YHCT

5.3.1 Triệu chứng: Sốt nhẹ hoặc không sốt, hơi sợ lạnh, mệt mỏi, đầu thân nặng nề, cơ bắp đau mỏi, ho khan đờm ít, nuốt đau, khô miệng không muốn uống nhiều nước, hoặc kèm theo tức ngực đầy trướng, không ra mồ hôi hoặc mồ hôi ra không thông sướng, hoặc buồn nôn không muốn ăn, đại tiện nát hoặc dính nháp khó đi. Chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng dầy, nhờn hoặc vàng mỏng.

5.3.2 Pháp điều trị: Thanh nhiệt khứ thấp, tuyên phế bình suyễn

5.3.3 Bài thuốc 1: Tang cúc ẩm

Thành phần: Lá dâu 10g, Cúc hoa 6g, Liên kiều 10g, Bạc hà 6g, Hạnh nhân 12g, Cam thảo 4g, Lô căn (rễ sậy) 12g, Cát cánh 8g Sắc uống ngày 1 thang.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống khi còn ấm. Hoặc dùng thuốc bột, hãm như pha trà với 150ml nước, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 10-12g.

Công dụng: Sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ ho

Phân tích bài thuốc: Lá dâu, Cúc hoa vị ngọt, tính mát cùng sự giúp sức của Bạc hà làm sơ tán phong nhiệt; Hạnh nhân, Cát cánh chữa ho, thông phế khí; Liên kiều đắng, lạnh thanh nhiệt giải độc; Rễ sậy ngọt lạnh, hạ sốt, sinh tân dịch, chỉ khát; Cam thảo điều hoà các vị thuốc, cùng Cát cánh làm thông hầu họng.

5.3.4 Bài thuốc 2: Ngân kiều tán

Thành phần: Liên kiều, Kim ngân hoa đều 12g, Cát cánh, Ngưu bang tử, Cam thảo, Bạc hà  đều 8g, Đậu xị 6g, Trúc diệp, Kinh giới đều 5g

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống khi còn ấm. Hoặc dùng thuốc bột, hãm như pha trà với 150ml nước, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 20-24g.

Công dụng: Bệnh ôn thời kỳ sơ khởi. Nóng không mồ hôi hoặc mồ hôi ra khó, hơi sọ lạnh, đau đầu, khát, ho khạc, đau họng, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc vàng.

Phân tích bài thuốc: Kim ngân, Liên kiều tân lương, thâu tà thanh nhiệt, giải độc; Kinh giới, Đậu sị khai bì mao, trừ tà, Cát cánh tuyên phế, lợi họng,Cam thảo điều hoà các vị thuốc, Trúc diệp thanh nhiệt ở thượng tiêu, Lô căn thanh nhiệt sinh tân.

5.3 ĐIỀU TRỊ  COVID KHÔNG CÓ TRIỆU CHÚNG BẰNG YHCT

Bài thuốc: Sâm tô ẩm Đã trình bầy ở trên.

6/ ĐIỀU TRỊ Ở GIAI ĐOẠN HỒI PHỤC

Đối với bệnh sốt virus sau khi khỏi bệnh cơ thể suy nhược do nhiều hồng cầu bị tiêu diệt và mất tân dịch, mất điện giải nên cần tiếp tục điều trị để khôi phục chức năng các tạng phủ, cân bằng âm dương.

Nếu thể phế tỳ khí suy có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém… thì dùng các bài thuốc bổ khí; Nếu thể khí âm lưởng hư có biểu hiện mệt mỏi, miệng khô, khát, ho khan…dùng các bài thuốc ích khí dưỡng âm; Nếu thể khí hư huyết ứ có các biểu hiện khó thở, đau tức ngực, trống ngực, lưỡi đỏ xạm…dùng thuốc ích khí bổ huyết, hoạt huyết. Nếu khí huyết đều hư,có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…dùng thuốc bổ khí huyết. Ngoài ra có thể châm cứu, xoa bóp để bổ trợ.

Nếu bị ho khan, uống nước sinh tố lê pha mật ong, hiệu quả rất tốt.

7/ CÁC PHƯƠNG PHÁP BỔ TRỢ ĐIỀU TRỊ COVID

Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, có thể áp dụng một số phương pháp bổ trợ sau.

7.1 Sát khuẩn vệ sinh vùng mũi họng:

Dùng dung dịch thuốc YHCT xịt mũi, xông mũi họng,

7.2 Xông phòng ở và nơi làm việc

Phương pháp 1:

  • Nguyên liệu: Sả, Lá chanh, Bạc hà, Húng quế, Tía tô, Kinh giới, Gừng, Tỏi, Lá bưởi…
  • Cách làm: chọn 1 hoặc hoặc nhiều laoij nói trên, khoẳng 200-400g tuỳ diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước khuyêchs tán, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng của phòng khoảng 20 phút.

Phương pháp 2:

  • Nguyên liệu: tinh dầu Sả, Chanh, Bạc hà, Hương nhu, Tràm, Quế, Bưởi…
  • Lấy 2-4ml tuỳ theo diện tích phòng, hoà tan tinh dầu trong ethnol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng của 20 phút, ngày 2-3 lần.

Lưu ý:

  •  Không xông trực tiếp vào người;
  • Không xịt tinh dầu vào phòng ngủ trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

7.3 Tập thở: Tập thở bụng và thở ngực theo nhịp điệu “êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài”; ‘Hít vào ngực nở, bụng lép, thở ra ngực lép, bụng hơi phồng”

7.4 Y thực trị:

7.4.1 Người thể nhiệt: hay bị nhiệt miệng, đau họng….

Công thức 1:  Trà cúc

  • Thành phần: Hoa cúc 10g, Lá dâu 10g, Cam thảo 6g, Xuyên bối mẫu 10g.
  • Chế biến: Hãm như pha trà (nên cho vào bình giữ nhiệt)
  • Công dụng: Hoa cúc, Lá dâu sơ phong thanh nhiệt, làm sáng mắt, mát gan; Xuyên bối mẫu giảm ho, bình suyễn. Trà này giúp thanh phế nhiệt, giảm ho, giảm sốt.

Công thức 2:  Chưng Lê đường phèn

  • Thành phấn: Lê 1 trái, Xuyến bối mẫu 10g, đường phèn vừa đủ
  • Chế biến: Hấp cách thuỷ Lê và Xuyên bối mẫu 1 giờ, sau đó cho đường phèn vào hấp tan đường là được, ăn Lê và uống nước.
  • Công dụng: Lê thanh nhiệt, nhuận phế, hoá đờm, bình suyễn. Xuyên bối mẫu giảm ho, bình suyễn. Món này giúp thanh nhiệt, hoá đàm, bình suyến.

Kinh nghiệm thực tế dùng sinh tố Lê, Mật ong cũng rất tốt cho người thể trạng nhiệt bị ho, hen.

Công thức 3: Canh hoa mướp

  • Thành phấn: Thịt lợn 100g, hoa mướp và lá non, hành tỏi và gia vị vừa đủ
  • Chế biến: Xào 100g thịt với hành và tỏi, cho nước nấu sôi, sau đó cho hoa mướp và lá non vào, thêm gia vị, đợi hoa và lá mướp chin thì bắc ra..
  • Công dụng: Hoa mướp tính mát, thanh nhiệt, giảm ho, bình suyễn.

7.4.2 Người thể  trạng hàn: hay sợ lạnh, dễ bị tiêu chẩy, đầy bụng…

Công thức 1: Trà tía tô gừng

  • Thành phần: Gừng 20g, Tía tô 10, đường nâu 1 ít
  • Chế biến: Hãm như pha trà (nên cho vào bình giữ nhiệt)
  • Công dụng: Gừng phát tán phong hàn, hoà vị giáng khí; Tía tô phát biểu tán hàn, khai thông phế khí. Trà tía tô giúp ôn phế, phát tán phong hàn.

Công thức 2: Cháo hành gừng:

  • Thành phần: Gạo 50g, Hành 10g, Gừng 5g
  •   Chế biến: Nấu cháo, trước khi bắc ra đập hành và gừng, cho vào, cho thêm gia vị. Có thể ăn chung với Ruốc.
  • Công dụng: Gừng và hành đều có tác dụng phát tán phong hàn, thông dương, ôn phế.

Công thức 3: Củ sen kho thịt

  • Thành phần: Củ sen 200g, thịt ba chỉ 400g, tỏi 10g, hành 10g, hạt tiêu, nước mắm, đường, dầu ăn vừa đủ.
  • Chế biến: ướp thịt với tỏi, hành, nước mắm 15 phút. Ngâm củ sen trong nước muối loãng để giữu màu trắng. Xào thịt với 1 chút đường cho săn lại, cho củ sen vào, thêm nước lọc hầm trong 40 phút, thêm gia vị.
  • Công dụng: Củ sen thanh nhiệt, lương huyết, nhuận phế, chỉ ho, kho với thịt và gia vị nóng ấm làm ấm phổi, trừ hàn khí.

7.4.3 Người thể trạng đàm thấp: hay mệt mỏi, chóng mặt, nặng đầu, lipid máu, cholesterone cao…

Công thức 1: Ngũ thần thang

  • Thành phần: Gừng 6g, Tía tô 10g, Kinh giới 10g, Lá trà 3g, đường nâu 1 ít
  • Chế biến: Sắc uống hoặc  Hãm như pha trà (nên cho vào bình giữ nhiệt)
  • Công dụng: Kinh giới sơ phong, giải biểu, Tía tô tán hàn giải biểu, điều hoà tỳ vị, Gừng phát hãn giải biểu, Lá trà xanh thanh nhiệt trừ phiền, lợi tiểu. Trà này giúp tuyên phế, lợi thuỷ, giải cảm hàn.

7.4.4 Người thể khí hư: tay chân cơ nhão, hay mệt, ăn không ngon…

Công thức 1: Canh Đương quy dê

  • Thành phần: Sườn Dê 250g, Đương quy 10g, Táo đỏ 10g, Long nhãn 5g, Kỹ tử 5g. Gừng 1 ít
  • Chế biến: Nấu 90-120 phút, thêm gia vị.
  • Công dụng: Bổ dương khí, bổ huyết, dùng cho tạng người phế khí yếu, hau sợ lạnh. Tránh dùng cho người thể trạng nhiệt.

Công thức 2: Canh Nấm trùng thảo

  • Thành phần: Nấm trùng thảo 5g, Long nhãn 3g, Khoai mài 50g, Khiếm thực / Hạt sen 20g, Thịt lợn 100g.
  • Chế biến: Hấp cách thuỷ 45 phút, thêm gia vị.
  • Công dụng: Bổ hư ích khí, thích hợp cho người hư nhược lâu ngày.

Công thức 3: Canh Bó xôi, gan lợn

  • Thành phần: Gan lợn 100g, Rau bó xôi 30g, Hành, Gừng, nước hầm xương, gia vị.
  • Chế biến: Gan thái lát, trộn với chút bột, xúp, rau bó xôi luộc qua, bỏ nước. Cho hành, gừng, vào nước hầm xương nấu 5 phút, cho gan lợn và rau bó xôi nấu chin, thêm gia vị..
  • Công dụng: Dưỡng can huyết, bổ máu, thích hợp cho người suy nhược, thiếu máu.

7.4.5 Người thể khí uất: Hay trầm cảm, hay cáu, họng hay bị nghẹn, khó ngủ, hay đau tức liên sườn, ăn không ngon, khó ngủ, dể bị cảm…

Công thức 1: Cam mạch đại táo thang

  • Thành phần: Cam thảo 15g, Táo đỏ 10g, Lúa mạch 50g (có thể thay bằng gạo)
  • Chế biến: Nấu Cam thảo với 600ml nước 15 phút, lấy nước Cam thảo nấu táo đỏ (bỏ hạt) cùng lúa mạch (hoặc gạo), thêm gia vị.
  • Công dụng: Dưỡng tâm, an thần.

Công thức 2: Trà Nghệ đen

  • Thành phần: Nghệ đen 5g, Ích mẫu thảo 10g, Hoa hồng 8 bông, I ít đường nâu.
  • Chế biến: Nấu trong 5 phút, uống ấm (hoặc hãm trong bình giữ nhiệt)
  • Công dụng: Hoa hồng lý khó giải uất, Uất kim hành khí, hoạt huyết, Ích mẫu lợi tiểu, tiêu thũng, Thức uống này giúp sơ can lý khí, hành khí hoạt huyết.

Công thức 3: Canh Bách hợp, Hạt sen

  • Thành phần: Bách hợp 30g, Hạt sen 30g, Thịt lợn 200g
  • Chế biến: Nấu tất cả với 700ml nước trong 60 phút, thêm gia vị.
  • Công dụng: Dưỡng tâm, an thần, ích khí.

7.4.6 Chế độ dinh dưỡng điều trị di chứng Covid:

Công thức 1: Cháo Hoài sơn, Bí xanh, Hạt sen:

  • Thành phần: Hoài sơn 30g, Hạt sen 20g, Bí xanh 20g, Ý dĩ (Bo bo) 20g, Gừng tươi 5g.
  • Chế biến: Nấu cháo, thêm gia vị. Dùng 2-3 lần/ 1 tuần.
  • Công dụng: Thích hợp cho đa số người, dặc biệt người cơ thể suy nhược, dễ bị cảm, tăng cường sức đề kháng, dự phòng bệnh tật.

Theo tôi, người bị tiểu đướng ăn món nãy cũng rất tốt.

Công thức 2: Hoàng kỳ, Hoài sơn hầm gà

  • Thành phần: Hoài sơn 15g, Sinh Hoàng kỳ 30g, Thịt gà 300-500g, Gừng tươi 15g.
  • Chế biến: Nấu cháo, thêm gia vị.
  • Công dụng: Bổ phế, ích khí, kiện tỳ, dưỡng vị. Thích hợp cho đa số người, người dễ bị cảm, ho, ăn không tiêu, phục hồi sức khoẻ, bổ phế khí cho người bệnh đã khỏi nhưng vẫn còn thở ngắn, khó thở, mệt khi gắng sức. Liều lượng 1 tuần/ 1 lần.

Công thức 3: Cháo Cát căn, Hạt sen, Táo đỏ:

  • Thành phần: Cát căn (củ sắn dây khô) 30g, Hạt sen 15g, Táo đỏ 5g, Gạo 100g.
  • Chế biến: Nấu cháo, thêm gia vị. 1 tuần/1 lần.
  • Công dụng: Nhuận phế, kiện tỳ, dưỡng tâm, an thần. Thích hợp cho đa số người, đặc biệt khí âm lưỡng hư, sau bệnh hay đổ mồ hôi, người nóng bứt rứt, tức nghẹn, khó thở, khó ngủ, mệt mỏi.

7.5 Ngoài hướng dẫn ở trên, khi bị Cảm cúm, có thể dùng các phương pháp bổ trợ khác như Xông hơi, Xoa bóp, day, bấm huyệt

7.5.1 Chứng Cảm hàn:

7.5.1.1 Bài thuốc xông: Nấu nước xông với 3 loại lá:

  • Loại có tinh dầu để sát trùng đường hô hấp: Lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới, lá bạc hà, lá xả….mỗi thứ 1 nắm;
  • Loại có tác dụng hạ sốt: Lá tre, lá duối… mỗi thứ 1 nắm;
  • Loại có tác dụng kháng sinh: Hành, tỏi…vài nhánh.

Tổng: 200-300g

Cách nấu: Cho các dược liệu có tính hạ sốt và có tính kháng sinh vào trước, đun khoảng 15-20 phút, sau đó cho loại có tinh dầu, đậy kín đun khoảng 3 phút (không đun lâu làm bay mất tinh dầu).

Cách xông: Bộc lộ toàn thân, trùm kín người, mở hé dần nắp nồi (đề phòng bỏng), xông 10 đến 20 phút.

Dùng khăn lau khô người, mặc và đắp ắm, nằm ở phòng kín gió. Uống bát nước là xông hoặc ăn bát cháo hành để bồi phụ lại tân dịch đã mất.

Chú ý: chỉ xông cho người sức khoẻ tốt, bị cảm mạo không có mồ hôi và đau mình mẩy; Không dùng cho Cảm mạo phong nhiệt.

Cơ chế tác dụng: Nhiệt hơi xông làm dãn mạch ngoại biên, mở lỗ chân lông làm giảm sốt, tăng cường chuyển hoá tạo cảm giác dễ chịu, đỡ đau mình mẩy và ăn uống tốt hơn. Tinh dấu giúp sát trùng toàn thân và đường hô hấp trên.

7.5.1.2 Bài thuốc Cháo  giải cảm ( chứng Cảm hàn): Hành 20g, Gừng tươi 10g, gạo nếp 50g, Nấu cháo chin nhừ, loãng, cho hành và gừng đập nhỏ vào, thêm gia vị, ăn nóng, sau đó đắp chăn cho ra mồ hôi, sau 5-10 phút lau khô mồ hôi, tránh gió.

7.5.1.3 Xoa bóp, day, bấm huyệt: cứu mồi ngải  hoặc day, bấm huyệt: Phong trì (Lõm 2 bên gáy, sát xương chẩm), Phong môn (bờ dưới mỏm gai đốt sống lưng D2 đo ngang ra 1,5 tấc) (Đốt nhô cao nhất là đốt sống cổ C7, dưới C7 là D1 rồi đến D2); Hợp cốc: (chổ cao nhất trên mu bàn tay, giữa ngón trỏ và ngón cái).

Nếu nhức đầu, thêm: Toản trúc (chỗ lõm đầu trong lông mày); Dương bạch (trên điểm giữa lông mày 1 tấc), Bách hội (đỉnh đầu), Suất cốc (đỉnh vành tai thẳng lên 1,5 tấc).

Nếu ho, thêm: Thái uyên (trên lằn chỉ cổ tay, bờ trong gân duỗi ngón cái); Liệt khuyết (lõm cổ tay đo lên 1,5 tấc, phía trên mỏm trâm quay);

Nếu ngạt mũi, thêm Nghinh hương (rãnh mũi má, bên ngoài cánh mũi).

Nếu đau mình mấy, thêm huyệt Thương khâu, Túc tam lý và các huyệt tại nơi bị đau.

Xoa bóp vúng trán, vùng đầu, vùng gáy, vùng sống lưng.

Xoa dầu cao sao vàng vào gan bàn chân, bàn tay, vùng rốn, vùng gáy. Có thể xoa thêm tại các huyệt nói trên.

Đánh gió: Tóc rối, gừng giã nát hoà với rượu xát dọc hai bên sống lưng cho nóng đỏ lên.

7.5.2 Chứng Cảm nhiệt:

 Xoa bóp, day, bấm huyệt: Ngoại quan (cách lằn chỉ cổ tay 2 tấc); Khúc trì, Đại Chuỳ.

Ghi chú: Người bệnh co ngón giữa và ngón cái áp 2 đầu ngón tay vào nhau, khoảng đo giữa 2 đầu nếp đốt giữa của ngón giữa là 1 tấc (bình thường khoảng 2,2cm).

8/ CỤ TUỆ TĨNH PHÒNG CHỮA BỆNH ÔN DỊCH

Thiền sư, Đại danh y Tuệ Tĩnh đã viết trong sách Nam dược Thần hiệu:

“ Ôn dịch có tính truyền nhiễm, đều do chính khí con người suy kém, cảm nhiễm từ đường hô hấp theo các lỗ khiếu mà vào.

Để tránh ôn dịch, dùng Đậu đỏ lấy vải mới, may túi đựng lại, ngâm vào giếng 2 ngày rồi lấy ra, cả nhà uống mỗi người 12 hạt hoặc dùng Đậu đen uống 7 hạt cũng được; Nấu quần áo của bệnh nhân để tránh truyền nhiễm, lại dùng thuốc cứu đem đốt ở 4 góc giường của bệnh nhân nằm; Lấy lá cây Ké đầu ngựa, phôi khô, tán nhỏ, hoặc sắc lên uống để phòng dịch; Rau sam nấu cháo, thêm chút muối, dấm vào ăn rất hay.

Trong mùa dịch, lúc mới thấy nhức đầu phát sốt, dung hành tăm 20 tép cả rễ, nấu cháo với gạo tẻ, chế dấm vào ăn khi còn nóng, ăn xong trùm mềm cho ra mồ hôi thì khỏi; Hoặc dùng tỏi nhỏ củ nửa cân (khoảng 150g), giã vắt lấy nước cốt  1 cốc mà uống, bất quá vài lần thì khỏi.

Trị ôn dịch bốn mùa cảm mạo: dùng bài Hương tô ẩm: Tía tô, Trần bì, Cam thảo, Gừng sống sắc uống, mỗi ngày 3 lần thì khỏi”…

9/ CỤ HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG PHÒNG CHỮA BỆNH ÔN DỊCH

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã viết về  cách phòng bệnh truyền nhiễm trong sách Vệ sinh yếu quyết diến ca, xin trích dẫn như sau::

“Suốt đời khí thấp lưu liên

Đến khi nắng nóng chứng lên bệnh thành”…

“Ở nơi chướng khí phải ngừa

Tuyệt không phòng sự, ăn no, nhọc nhằn

Ngày uống vài chén rượu tăm

Để cho khí huyết lưu thông rất cần”…

“Thái âm thấp khí phát sinh

Nhân ăn sống lạnh trong mình tổn thương

Vì chưng no đói thất thường

Lại uống nước độc từ rừng chẩy xuôi

Sau khi mưa lũ nước trôi

Biết bao uế tạp theo ngòi chẩy đi

Uống vào nôn tháo đôi khi

Nên dùng nước giếng khỏi nguy phần nào

Địa liền, Quán chúng ngâm vào

Hoắc hương nấu uống tà tiêu khí hoà

Kiêng ăn rau sống, sinh già (cá sống)

Thức ăn nấu chin bệnh tà lánh xa

Liền sau nạn đói can qua

Thường có dịch lớn phát ra kéo dài

Cho rằng dịch lệ thiên thời

Thực ra uế tạp do người gây lên…”

“Hễ khi ôn dịch phát ra

Dự phòng uống Tỏi, Bạc hà, Lá thông

Nữ thanh, Bùng bục nên dùng

Lại hun Bồ kết, Đàn hương trong nhà

Có dịch thì chớ lân la

Cần nên nút mũi khi ra ngoài đường

Dùng bông bọc Tỏi, Hùng hoàng

Khi thăm người bệnh lại càng không quên”….

“Ở gần dễ nhiễm trùng lao

Nên dùng vôi bột rắc vào đờm phân

Ống nhổ nên chứa vôi, mun,

Dự phòng Bách bộ uống ngăn cũng mầu

“Đến khi bệnh đã phát rồi

Chữa không tiệt nọc suốt đời truyền di

Dương mai truyền nhiễm thật nguy

Khuyên người nam nữ chớ đi chơi liều

Cu vẽ, Khúc khắc uống nhiều

Rau sam ăn mãi, độc tiêu hết truyền”…

“Thấp ôn tê mỏi chân tay

Đau lưng, ngẹt mũi, bệnh này ít lo

Cần nên mặc ấm, ăn no

Uống đơn: Hương phụ, Tử tô, Trần bì

Phong ôn phát sốt li bì

Cát căn, Kinh giới uống thì cũng qua”

10/ PHÒNG NGỪA COVID 19

Từ những phần trên, có thể thấy, bệnh Covid 19 hình thành phải có 3 điều kiện: (i) Có nguồn lây nhiễm: (ii) Yếu tố bất lợi về thòi tiết và điều kiện vệ sinh môi trường; (iii) Cơ thể bị suy nhược.

Vì vậy, để phòng bệnh Covid 19 cần phải thực hiện tốt 3 nhóm giải pháp sau:

Một là phải ngăn ngừa nguồn xâm nhập của virus:

  • Thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế; 5 K, tiêm vaccine..

Hai là giữ vệ sinh môi trường, tạo điều kiện bất lợi cho sự phát triển của Virus:

  • Thường xuyên làm vệ sinh, khử khuẩn nơi ở:
  • Tạo môi trường thoáng khí, giữ ấm mùa đông (nhưng cũng không nên sưởi ấm nhiều làm khô không khí), mát vào mùa hè (nhưng không nên để điều hoà quá lạnh làm khô hanh và dễ bị nhiễm lạnh),
  • Tránh ẩm ướt, sử dụng máy hút ẩm khi nồm. Ẩm ướt là điều kiện rất thuận lợi để virus phát triển;
  • Thỉnh thoảng Xông hơi nơi ở hoặc phun tinh dầu như Hướng dấn của Bộ Y tế đã trình bầy ở trên; Hoặc xông khói  bằng quả bồ kết hoặc loại lá có tinh dầu…;
  • Ăn Tỏi hoặc uống rượu tỏi, nhưng không quá lạm dụng vì làm khô ráo và hao tổn tân dịch (mỗi lần  một vài giọt, 2-3 lần/ tuần);
  • Cho Tỏi hoặc Hùng hoàng vào túi, gối đầu giường hoặc đeo trong người…;
  • Súc miệng bằng nước thảo dược (Bạc hà, Kinh giới, Tía tô…)…

Ba là nâng cao thể trạng của cơ thể:

  • Uống đủ nước, thường xuyên tập luyện, ăn uống đủ chất…;
  • Không ăn thứ sống lạnh;
  • Thực hiện phương pháp Y thực trị để hỗ trợ chữa bệnh và bồi bổ cơ thể như trình bầy ở trên;
  • Tích cực điều trị các bệnh nền đặc biệt là bệnh hô hấp.

Thực tế tôi đã áp dụng với người hay bị sụt sịt mũi, bị ho rất hiệu quả: Nếu chứng Hàn (ho, đờm loãng, chẩy nước mũi), dùng bài thuốc xông để xông mũi: Lá xả, lá tía tô, kinh giới mỗi thứ 1 năm, vỏ quýt 1 ít, hành, tỏi vài nhánh (hoặc dùng bài Sâm tô ẩm để xông). Nếu chứng nhiệt (ho đờm đặc): Lá xả, lá dâu, lá bạc hà mỗi thứ 1 nắm, vỏ quýt 1 ít, hành, tỏi vài nhánh (hoặc dùng bài Tang cúc ẩm).

Hãy tự tìm hiểu cách phong ngừa Covid; Không mua các thuốc rao bán kể cả đông dược, có thể gây ra lợi bất cập hại. Khi bị  sử dụng các loại thuốc kháng Covid, thuốc chống đông, thuốc kháng sinh… cần theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Điều trị Cúm hay Covid cũng không khó, đôi khi chỉ bằng vài viên Paracetamon,vài thứ lá, vài thao tác xoa bóp, bấm huyệt cũng nhanh chóng khỏi bệnh. Nhưng nếu điều trị không đúng, cảm mạo nhập sâu vào phổi sẽ gây nhiều biến chứng rất nguy hiểm.

Ngày nay, cùng với những thành tựu to lớn của y học hiện đại, những bài thuốc cổ truyền vẫn luôn là những viên ngọc quý, là kho báu của nhân loại vì tình toàn diện, an toàn và hiệu quả, đôi khi kỳ diệu đã được kiểm chứng qua thực tế của hàng ngàn năm lịch sử.

Nhà thuốc đông y gia truyền BẢO AN ĐƯỜNG, xóm Đê, thôn Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An, Ninh Giang, Hải Dương điều trị đa khoa bằng việc gia giảm từ các Phương thuốc cổ truyền, được bào chế và bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam, có dạng trà thảo mộc thuận tiện cho việc sử dụng. Hotline: 0915.329.743

0915.329.743
messenger icon zalo icon