Kham khop

20:25:20 15/07/2023 Lượt xem 88 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

🌺KHÁM KHỚP
Bệnh Nội khoa Y học hiện đại – Hệ Vận động


1/ Triệu chứng cơ năng

1.1 Đau khớp

a. Vị trí
Một số vị trí đau khớp có thể mang ý nghĩa chẩn đoán như đau ngón chân cái trong bệnh gút, đau các khớp nhỏ hai bàn tay là dấu hiệu sớm của bệnh viêm khớp dạng thấp, đau vùng khớp cùng chậu trong bệnh viêm cột sống dình khớp.

b. Tính chất đau
- Đau do viêm: (thấp khớp, viêm mủ, viêm lao…): đau liên tục, tăng nhiều về đêm, kèm sưng, nóng, đỏ.
- Đau cơ giới (thoái hoá, dị dạng): đau tăng khi vận động, lao động, giảm và hết khi nghỉ ngơi.

1.2 Hạn chế vận động:
Bệnh nhân tự cảm thấy không làm được một số động tác của khớp và cột sống, không nắm được bàn tay, không giơ tay lên được, không cúi xuống, không quay cổ được…gặp trong đau do viêm khớp, do dính khớp, do tổn thương thần kinh, cơ xương…

1.3 Dấu hiệu cứng khớp buổi sáng
Là một dấu hiệu đặc hiệu, khi mới ngủ dậy bệnh nhân thấy khớp cứng đờ khó vận động, sau một thời gian mới thấy mềm trở lại dễ vận động hơn, hay gặp ở hai bàn tay và khớp gối. Cứng khớp buổi sáng chỉ có giá trị khi kéo dài trên 1 giờ, là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp.

1.4 Dấu hiệu phá gỉ khớp:
Khác với cứng khớp buổi sáng, dấu hiệu phá gỉ khớp gặp trong thoái hoá khớp, lúc mới ngủ dậy hay khởi động thấy vướng và khó vận động, nhưng chỉ sau vài động tác thì dấu hiệu này mất đi, thường gặp ở cột sống và khớp gối.

1.5 Các dấu hiệu khác
- Dấu hiệu lạo xạo khi vận động: thoái hoá khớp gối.
- Dấu hiệu bật lò xo: gặp ở một sô ngón tay, khi gập và duỗi ngón thấy khó và cứng, chỉ sau khi cố thì bật ra và làm được động tác: thường do tổn thương ở gân gấp ngón tay.

🥰2/ Triệu chứng thực thể

2.1 Sưng khớp

a. Sưng khớp do viêm: khớp có viêm sưng, nóng, đỏ, đau rõ. Có thể có nước trong khớp.

- Viêm cấp: dấu hiệu sưng, nóng, đỏ rõ và mức độ nhiều, nhất là viêm do vi khuẩn sinh mủ (tụ cầu), viêm do tinh thể (bệnh gút, bệnh vôi hoá sụn khớp), thấp khớp cấp;
- Viêm mạn: mức độ đau vừa phải, nóng đỏ kín đáo, gặp trong hầu hết các bệnh mạn tính: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, gút mạn tính, lao khớp…

b. Sưng khớp không do viêm:

Khớp sưng do những thay đổi ở đầu xương, sụn khớp, bao khớp, phần mềm quanh khớp…mà không có biểu hiện viêm: thoái hoá khớp, loạn sản xương, sụn, di chứng chấn thương, rối loạn chuyển hoá (bệnh gút, nhiễm huyết sắc tố, bệnh alkapton niệu…)

🥰2.2 Dị dạng và biến dạng khớp

- Dị dạng là kết quả của những bệnh bẩm sinh (trật khớp háng bẩm sinh, khớp gối quặt ra hoặc vào, bàn chân ngựa…);

- Biến dạng là kết quả của bệnh mắc phải như chấn thương, còi xương, viêm khớp loạn sản, khối u…hoặc các tổn thương của thần kinh, phần mềm của khớp.

Dị dạng hay biến dạng khớp thể hiện bằng hình thái khớp bất thường và đặc biệt là những thay đổi của trục khớp: Ở cột sống là những thay đổi của đường cong cột sống, gù, vẹo, quá ưỡn….

2.3 Những thay đổi động tác

- Hạn chế động tác: mức độ nặng nhất là hạn chế hoàn toàn, chỉ cố định ở tư thế nhất định, thường là hậu quả của tổn thương dính khớp hoàn toàn, hạn chế một phần hoặc hạn chế một số động tác có thể do tổn thương ở khớp hoặc các phần mềm quanh khớp, đôi khi do tổn thương thần kinh;

- Hạn chế vận động chủ động và hạn chế vận động thụ động thường ở mức độ như nhau. Nhưng cũng có trường hợp hạn chế vận động chủ động nhưng vận động thụ động lại bình thường;

- Khớp lỏng lẻo: là khớp và cột sống có biên độ lớn hơn bình thường. Có thể chỉ là tình trạng sinh lý do tập luyện. (nghệ sỹ xiếc, uốn dẻo, bale…). Có thể là do tổn thương thần kinh hội chứng tiểu não, bệnh tabes), do bệnh toàn thân, do bênh khớp mạn tính làm giãn dây chằng và bao khớp.

2.4 Phát hiện tràn dịch khớp

Phần lớn các khớp lưỡng diện đều có một bao khớp, bên trong có màng hoạt dịch và dịch khớp để đảm bảo chức năng vận động, khi lượng dịch khớp tăng lên gọi là tràn dịch khớp, thường thấy ở khớp gối, cổ chân.

2.5 Các dấu hiệu khác

- Tại khớp: các nang kéo nổi to ở khớp do phình bao khớp (kén Baker ở khoeo chân, kén hydroma ở khuỷu tay; các u cục nổi quanh khớp (u cục tophi trong bệnh gút, u xanhrume trong bệnh u vàng);

- Ngoài khớp:
+ Teo cơ trong bệnh khớp mạn tính;
+ Tổn thương da niêm mạc như vẩy nến trong viêm khớp vẩy nến, ban đỏ cánh bướm trong bệnh luput ban đỏ, dạ dầy xơ cứng trong bệnh xơ cứng bì, phỏng nước trong bệnh Behcer, da sạm đen trong bệnh nhiễm huyết sắc tố…
+ Các hạt nổi dưới da và quanh khớp: hạt tophi trong bệnh gút, hạt Meynet trong thấp khớp cấp, hạt dưới da vùng khuỷu tay trong bệnh viêm khớp dạng thấp…
+ Mắt: viêm kết mạc mắt trong hội chứng Reiter, viêm mí mắt thể mi trong viêm khớp mạn tính thiếu niện, viêm cột sống dính khớp, viêm võng mạc do bệnh Bechcet…
+ Thần kinh, thận, tim mạch: Bệnh thần kinh đều gây tổn thương khớp, nhiều bệnh ở khớp gây tổn thượng thận như bệnh gút, bệnh luput ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, bệnh thấp khớp cấp dẫn đến bệnh van tim

0915.329.743
messenger icon zalo icon