PHƯƠNG THUỐC THANH HƯ NHIỆT
Dùng để chữa các chứng hư nhiệt như giai đoạn sau của bệnh nhiệt tà khí chưa hết, âm dịch bị tổn thương (chiều sốt, sáng không sốt, lưỡi đỏ, ít rêu) can thận âm hư (cốt chưng, triều nhiệt) hoặc sốt lâu không dứt. Các phương thuốc này có tác dụng dưỡng âm, thâu nhiệt, thanh trừ cốt chưng. Các thuốc thường dùng có Miết giáp, Tri mẫu, Sinh địa để tư âm, thanh nhiệt, Thanh hao, Tần giao, Sài hồ, Địa cốt bì để thanh thâu phục nhiệt.
1/ GIAI ĐOẠN SAU CỦA BỆNH ÔN DỊCH, ĐÊM SỐT NGÀY MÁT, KHÔNG CÓ MỒ HÔI
Bài thuốc: THANH HAO MIẾT GIÁP THANG (Sách Ôn bệnh điều biện)
Thành phần: Thanh hao 2đc, Miết giáp 5đc, Đan bì 3đc, Sinh địa 4đc, Tri mẫu 2đc
Cách dùng: Sắc với 5 bát nước, còn 2 bát, chia 2 lần để uống
Công dụng: Dưỡng âm thanh nhiệt.
Chủ trị: Giai đoạn sau của bệnh ôn, âm dịch bị tiêu hao, tà vẫn phục ở phần âm. Đêm sốt ngày mát, sốt không có mồ hôi, lưỡi đỏ, mạch tế sác.
Phân tích: Miết giáp tư âm thaois nhiệt, vào lạc để bắt tà khí, Thanh hao (phương hương) để thanh nhiệt, thâu lạc, dẫn tà ra ngoài. Sinh địa (cam lương) để tư âm, Tri mẫu (khổ hàn) để tư nhuận, phối hợp với Miết giáp, Thanh hao để thanh phục nhiệt ở huyết, để thâu tà phục ở âm.
Chú ý: Trong phương này, Thanh hao không vào huyết phận được, song Miết giáp lại vào được và dẫn Thanh hao vào. Miết giáp không có phần khí dương được, đã có Thanh hao dẫn nó ra. Như vậy vừa chữa được nhiệt của âm hư, vừa đuổi được tà phục ở âm ra ngoài, nghĩa là phải vừa tư âm, vừa thâu tà, cũng là vư chữa bản vừa chữa tiêu cùng một lạc.
2/ CHỨNG NÓNG TRONG XƯƠNG, MỒ HÔI TRỘM, SỐT CHIỀU
Bài thuốc: TẦN GIAO MIẾT GIÁP THANG (Sách Ôn bệnh điều biện)
Thành phần: Địa cốt bì 1 lạng, Sài hồ 1 lạng, Miết giáp 1 lạng, Tần giao 0,5 lạng, Tri mẫu 0,5 lạng, Đương quy 0,5 lạng.
Cách dùng: Tán thô, mỗi lần dùng 5đc, sắc với 1 bát nước, với 5 lá Thanh hao, 1 quả Ô mai, còn 0,7 bát, bỏ bã, uống lúc thuốc còn ấm lúc trước khi nằm. Có thể dùng thuốc thang. Mỗi lạng thay bằng 2đc.
Công dụng: Tư âm dưỡng huyết, thanh nhiệt, trừ cốt chưng
Chủ trị: Bệnh phong lao. Cốt chưng (nóng trong xương), đạo hãn (ra mồ hôi trộm), cơ tiêu mòn gầy, môi hồng, má đỏ, có cơn sốt chiều, ho khạc, mệt mỏi, mạch vi sác.
Phân tích: Bệnh phong lao là bệnh bị phong tà ở biểu, song chữa nhầm làm tà truyền vào lý làm hao tổn âm huyết. Đương quy để bổ huyết, hoà huyết, phối hợp với Tần giao, Sài hồ sơ phong tà, làm cho nó thoát ra biểu, phối hợp với Thanh hao để thanh nội nhiệt để trừ cốt chưng. Ô mai thu liễm, để liễm âm chỉ hãn
3/ CHỨNG ÂM HƯ NỘI NHIỆT, MỒ HÔI TRỘM,
MẶT ĐỎ, TÂM PHIỀN
Bài thuốc: ĐƯƠNG QUY LỤC HOÀNG THANG (Sách Lam thất bí tàng)
Thành phần: Đương quy, Sinh địa, Thục địa, Hoàng cầm, Hoàng bá, Hoàng liên, lượng bằng nhau, Hoàng kỳ lượng gấp đôi.
Cách dùng: Tán thô, mỗi lần dùng 5đc, sắc với 2 bát nước, còn 1 bát thì chắt thuốc uống trước bữa ăn. Trẻ em dùng ½ liều. Nay dùng thuốc thang, lượng tính bằng đc.
Công dụng: Tư âm tả hoả, cố biểu, chỉ hãn
Chủ trị: Âm hư nội nhiệt, đạo hãn (mồ hôi trộm). Mặt đỏ tâm phiền, miệng khô, môi khô, phân kết, nước tiểu vàng, lưỡi đỏ, mạch sác.
Phân tích: Quy, Sinh, Thục nuôi âm nuôi huyết nhằm thanh nội nhiệt. Cầm Liên Bá để tả hoả trừ phiền, thanh nhiệt, làm khoẻ âm. Hoàng kỳ để ích khí cố biểu chỉ đạo hãn.
Chú ý: Phương thuốc này dùng cả dưỡng âm lẫn tả hoả, chiếu cố cả trong lẫn ngoài, nhằm âm dịch nội thủ được ở trong, vị ngoài được khoẻ chắc từ đó giải quyết cả nội có nhiệt, ngoại có mồ hôi.