PHƯƠNG THUỐC THANH NHIỆT Ở TẠNG CAN
VÀ PHỦ ĐỞM
1/ CHỨNG ĐẦU ĐAU, MẮT ĐỎ, SƯỜN ĐAU, MIỆNG ĐẮNG, TAI Ù, TAI SƯNG (QUAI BỊ)
Bài thuốc: LONG ĐỞM TẢ CAN THANG (Sách Y phương tập giải)
Thành phần: Long đởm thảo 6 g và Chi tử 9g đều sao rượu, Mộc thông 9g, Đương quy rửa bằng rượu 3g, Sài hồ 6g, Hoàng cầm sao 9g, Trạch tả 12g, Xa tiền tử 9g, Sinh địa sao rượu 9g, Sinh cam thảo 6g
Cách dùng: Tuỳ tình trạng cụ thể có thể giảm lượng. Săc uống hoặc làm hoàn ngày uống 2 lần, mỗi lần 6-9g
Công dụng: Tả thực hoả ở can đởm, thanh thấp nhiệt ở hạ tiêu.
Chủ trị: Thực hoả ở can đởm nhiễu thanh không, Đầu đau, mắt đỏ, sườn đau, miệng đắng, tai ù, tai sưng (quai bị).
Thấp nhiệt xuống hạ tiêu và ở kinh can đởm. Âm vật sưng, ngứa hoặc âm vật ra mồ hôi, tinh hoàn teo, nước tiểu đục, đái khó, nữ có khí hư do thấp nhiệt.
Phân tích: Long đởm thảo (đại khổ hàn) để tả thực hoả của can đởm bố lên trên, thanh thấp nhiệt của kinh can ở hạ tiêu. Hoàng cầm, Chi tử (khổ hàn) tả hoả, tăng tác dụng của Long đởm thảo. Trạch tả, Mộc thông, Xa tiền thanh nhiệt lợi thấp, đưa nhiệt ra ngoài bằng đường tiểu tiện. Sinh địa, Đương quy vừa để tư âm dưỡng huyết do nhiệt gây lên, vừa giảm tác dụng khổ hàn táo thấp của thuốc thanh nhiệt táo thấp ở trên để bảo vệ âm huyết. Sài hồ đẻ dẫn thuốc vào kinh can đởm, Cam thảo để điều hoà các vị thuốc.
Chú ý: Phương thuốc này có tính khổ hàn mạnh, dễ làm tổn thương tỳ vị. Vì vậy, không nên uống nhiều, uống lâu hoặc không nên dùng cho người tỳ vị hư hàn.
2/ CHỨNG MĂT ĐỎ, HỌNG ĐAU, PHIỀN TÁO, ỈA BÍ, NƯỚC TIỂU ĐỎ HOẶC TRẺ EM CẤP KINH PHONG (CO GIẬT)
Bài thuốc: TẢ THANH HOÀN (Sách Tiểu nhi dược chứng trực quyết)
Thành phần: Đại hoàng bọc giấy để lùi, Đương quy và Long đởm thảo đều sấy vàng, Xuyên khung, Chi tử, Khương hoạt, Phòng phong sấy vàng. Lượng bằng nhau.
Cách dùng: Sấy vàng là sấy lót giấy, lửa nhỏ, ít dở dược liệu đến khi vàng. Lùi là dùng giấy ẩm bọc thuốc lại rồi để vào tro ủ nóng lại. Làm hoàn mật hoặc tán. Mỗi lần dùng 6g, ngày 2 lần với nước ấm hoặc nước sắc trúc diệp. Có thể dùng thuốc sắc liều thích hợp. Trẻ em ½ liều.
Công dụng: Thanh tả can hoả.
Chủ trị: Hoả uất ở can kinh. Mắt đỏ, họng đau, dễ cáu gắt, phiền táo ngồi nằm không yên, ỉa bí, nước tiểu đỏ, mạch hồng thực, hoặc trẻ bị cấp kinh phong co giật do nhiệt thịnh.
Phân tích: Long đởm thảo (đại khổ hàn) để tả hoả can đởm bố lên trên. Chi tử (khổ hàn) để tả hoả, tăng tác dụng của Long đởm thảo. Đương quy, Xuyên khung dưỡng huyết, bảo vệ huyết và bổ sung huyết do nhiệt làm tổn thương. Xuyên khung hành khí ở trong huyết để giải uất hoả. Phòng phong, Khương hoạt để khu phong. Đại hoàng tiết nhiệt thông đại tiện.
Chú ý: Phương thuốc này chủ yếu dùng cho người có chứng hoả uất ở can, không có kiêm chứng thấp nhiệt ở kinh can ở vùng hạ tiêu.
3/ CHỨNG CẠNH SƯỜN CHƯỚNG ĐAU, BỤNG CỒN CÀO NUỐT NƯỚC CHUA, NÔN, MIỆNG ĐẮNG, Ợ HƠI
Bài thuốc: TẢ KIM HOÀN (Sách Đan khê tâm pháp)
Thành phần: Hoàng liên 6 lạng, Ngô thù 0,5 hoặc 1 lạng
Cách dùng: Tán mịn làm hoàn nước hoặc chưng lên làm hoàn. Mỗi lần dùng 2-3g, chiêu nuốt bằng nước ấm. Có thể dùng thuốc sắc, đổi lạng thành đc.
Công dụng: Thanh can tả hoả, giáng nghịch chỉ ẩu.
Chủ trị: Can hoả phạm vị. Cạnh sườn chướng đau, bụng cồn cào nuốt nước chua, nôn, miệng đắng, thuwongj vị bĩ, ợ hơi, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền sác
Phân tích: Hoàng liên (khổ hàn) để tả hoả làm quân. Ngô thù (tân nhiệt) để ức chế tính hàn của Hoàng liên và vào can để giáng nghịch nhằm điều hoà can vị
Gia giảm: Nếu có đau ở vị, nuốt chua, lại có đau ỉa lỏng do sức vận hoá yếu, hoặc nhiệt tả, nhiệt lỵ (lỵ trực trùng) thì thêm Bạch thược 5 lạng, giảm Hoàng liên còn 5 lạng, tăng Ngô thù thành 5 lạng, làm hoàn hồ, có tên gọi là MẬU KỶ HOÀN.
Nếu có thấp nhiệt lỵ, có mót rặn (lỵ hỗn hợp), ngực hoành bĩ khó chịu (muộn) thì dùng 10 lạng Ngô thù sao cùng với 20 lạng Hoàng liên, đến khi có mầu sẫm (xích) thì lloaij bỏ Ngô thù, thêm Mộc hương 4,8 lạng, dùng hồ dấm làm hoàn bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần 20 hoàn, chiêu bằng nước cơm, gọi là HƯƠNG LIÊN HOÀN.