PHƯƠNG THUỐC THANH NHIỆT Ở PHẦN KHÍ
(Trị sốt cao, phiền khát, có mồ hôi)
Phương thuốc thanh nhiệt ở phần khí dùng để chữa bệnh ở phần khí có nhiệt, nhiệt thịnh thương tân, hoặc khí âm đều bị tổn thương. Các phương thuốc này có tác dụng trừ nhiệt thanh phiền, sinh tân, chỉ khát.
Nếu nhiết thịnh thì sốt mạnh, phiền khát, mồ hôi nhiều, mạch hồng đại. Nếu bệnh nhiệt đã kết thúc song nhiệt tà ở phần khí chưa hết, khí và âm đều bị tổn thương sẽ có người nóng, mồ hôi nhiều, tâm phiền, ngực khó chịu, mồm khô, lưỡi đỏ.
Ở chứng nhiệt thịnh thường dùng Thạch cao (tân cam khổ hàn) phối hợp với Tri mẫu (khổ hàn tư nhuận) là chính.
Ở chứng khí và âm đều bị tổn thương thì ngoài dùng Thạch cao còn dùng Trúc diệp để thanh nhiệt trừ phiền, Nhân sâm để ích khí, Mạch môn để dưỡng âm.
1/ CHỨNG NGƯỜI RẤT NÓNG, MẶT ĐỎ, PHIỀN KHÁT, RA NHIỀU MỒ HÔI, SỢ NÓNG
Bài thuốc cổ phương: BẠCH HỔ THANG (Sách Thương hàn luận)
Thành phần: Thạch cao 30g, Tri mẫu 12g, Cam thảo 4g, Ngạnh mễ 9g.
Cách dùng: Sắc đến khi gạo chin là được, chia 3 lần uống thuốc còn ấm
Công dụng: Thanh nhiệt sinh tân
Chủ trị: Nhiệt ở phần khí của dương minh thịnh. Người rất nóng, mặt đỏ, phiền khát, uống nhiều, ra mồ hôi, sợ nóng, mạch hồng đại.
Phân tích: Thạch cao (tân cam đại hàn) để thanh nhiệt ở phần khí của dương minh. Tri mẫu (khổ hàn nhuận) để giúp Thạch cao thanh nhiệt ở phần phế vị, và để tư âm. Cam thảo, Ngạnh mễ để ích vị, bảo vệ tân dịch và phòng thuốc đại hàn có thể làm thương tổn trung tiêu.
Gia giảm:
- Nếu mồ hôi ra nhiều và mạch đại, vô lực (trong bệnh thử cũng có chứng này) tức là có cả khí và tân cùng bị thương thì thêm Nhân sâm 12g để ích khí, gọi là bài BẠCH HỔ NHÂN SÂM THANG có tác dụng thanh nhiệt, ích khí, sinh tân;
- Nếu là thấp ôn, có ngực bĩ rêu lưỡi trắng cáu thêm Thương truật 9g để táo thấp, gọi là bài BẠCH HỔ GIA THƯƠNG TRUẬT THANG có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp. Ngày nay dùng để chữa phong thấp nhiệt tý;
- Nếu có khớp sung đau, thì gia Quế chi 6g để thông lạc hoà dinh, gọi là bài BẠCH HỔ GIA QUẾ CHI THANG, Có tác dụng thanh nhiệt, thông lạc, hoà dinh. Dùng để chữa phong thấp nhiệt tý.
2/ CHỨNG SAU KHI SỐT CAO, NGƯỜI NÓNG, NHIỀU MỒ HÔI, TÂM PHIỀN, NGỰC BĨ, MUỐN NÔN, KHÔNG NGỦ
Bài thuốc cổ phương: TRÚC DIỆP THẠCH CAO THANG (Sách Thương hàn luận)
Thành phần: Thạch cao 30g, Nhân sâm 6g, Cam thảo 3g, Ngạnh mễ 15g, Bán hạ 9g, Mạch môn 15g, Trúc diệp 15g.
Cách dùng: Sắc kỹ các vị Thạch cao, Trúc diệp, Bán hạ, Mạch môn, Cam thảo còn 400ml, chắt thuốc, đun sôi với Ngạnh mễ đến khi gạo chin, bỏ bã đi, thuốc chia làm 3 lần uống trong ngày. Sâm sắc riệng, đổ nước sâm vào thuốc cùng uống.
Công dụng: Thanh nhiệt, sinh tân, ích khí, hoà vị
Chủ trị: Sau khi bị bệnh nhiệt, dư tà chưa hết, và có khí, tân đều bị thương. Người nóng, nhiều mồ hôi, tâm bực bội khó chịu, khí nghịch muốn nôn, mồm khô muốn uống, hoặc hư phiền không ngủ, mạch hư sác, lưỡi đỏ.
Phân tích: Trúc diệp, Thạch cao để thanh nhiệt trừ phiền. Sâm để ích khí, Mạch môn để dưỡng âm sinh tân. Bán hạ để giáng nghịch chỉ nôn. Cam thảo, gạo tẻ để hoà trung, dưỡng vị.
Đây là bài Bạch hổ thang bỏ Tri mẫu, thêm Nhân sâm để ích khí, Mạch môn để dưỡng âm sinh tân, Trúc diệp, Bán hạ để hoà vị trừ phiền, nên tuy là phương thuốc đại hàn, song lại là phương thuốc có thanh nhiệt, khu tà bổ chính, và dùng sau khi sốt cao bệnh nhiệt có khí âm đều hư, người sốt ra mồ hôi không hết sốt, vị khí không hoà giáng.