Bệnh học nội khoa Y học hiện đại - Các bệnh thuộc hệ Hô hấp
HEN PHẾ QUẢN
- ĐẠI CƯƠNG:
Hen phế quản là một trạng thái hoạt động quá mức của phế quản, biểu hiện bởi tắc nghẽn lan rộng và phù nề niêm mạc phế quản, cơn hen phế quản có thể hồi phục (tự khỏi hoạc do điều trị).
Nguyên nhân của hen phế quản rất phức tạp và cơ chế sinh bệnh chưa rõ ràng.
Thường gặp ở người:
- Cơ địa dị ứng;
- Có thể trạng thần kinh dễ bị mất thăng bằng;
- Hệ hô hấp dễ bị kích thích.
II. TRIỆU CHỨNG
Cơn hen thường xẩy ra về đêm, nhân một cơ hội thuận lợi:
- Thay đổi thời tiết;
- Ăn uống, ngửi mùi vị đặc biệt;
- Làm việc quá sức, cảm, viêm nhiễm.
Trong thể điển hình, cơn hen thường qua ba thời kỳ:
- Triệu chứng báo trước
Mệt mỏi, hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi, đỏ mắt, ho khan, đau tức ngực như có gì chẹn làm khó thở.
- Cơn hen
2.1 Triệu chứng chức năng
Khó thở là biểu hiện quan trọng nhất.
- Khó thở dữ dội tăng dần lên. Bệnh đang nằm phải ngồi dậy để thở, cảm thấy lo sợ, đột ngột, tắc nghẽn;
- Khó thở chậm: Tần số 6-16 lần/ phút;
- Khó thở ra: Thở ra khó nên người bệnh phải há mồm và tỳ tay lên thành giường để thở. Thở ra rất khó nhọc và kéo dài, rồi hít vào nhanh và dễ dàng, gây ra tiếng khò khè, cò cử mà chính bệnh nhân cũng nghe thấy. Vì khó thở nhiều nên rất mỏi, thở hổn hển, ngắt quãng.
Cơn hen có thể lâu hay chóng, dài hay ngắn. Có cơn từ 10 phút đến nửa giờ hoặc vài giờ. Có cơn nặng kéo dài hàng buổi hoặc vài ba ngày, làm bệnh nhân hết sức lo sợ, hoang mang.
-
- Triệu chứng thực thể
Khám phổi thấy
- Nhìn: Lồng ngực nở ra nhưng ít di động;
- Sờ: Rung thanh vẫn bình thường;
- Gõ: Tiếng gõ trong hơn bình thường;
- Nghe: Rì rào phế nang giảm nhiều, có nhiều ran nổ (ran rít và ran gáy) ở khắp 2 bên phổi.
-
- Triệu chứng X quang
Lúc thở lồng ngực không di động, cơ hoành kém di động. Các khoang liên sườn giãn rộng. Hai phế trường sáng khác thường, nhưng hai bên rốn phổi có những vết đen hơn (do ứ huyết).
- Hết cơn
Lúc bắt đầu hết cơn, bệnh nhân ho khạc ra đờm, lúc đầu dính, về su dễ khạc hơn. Càng khạc ra nhiều đờm, bệnh nhân càng cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, dễ chịu, dễ thở và yên tâm. Dờm trong, óng ánh và dính.
Xét nghiệm đờm thấy có nhiều bạch cầu ái toan và có nhiều tinh thể Saco Lâyden (Charcot Layden).
- CHẨN ĐOÁN
1/ Chẩn đoán xác định
Nghĩ đến cơn hen khi có một trong những dấu hiệu sau:
a. Cơn hen với các dấu hiệu đặc trưng;
- Tiền triệu: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ;
- Cơn khó thở điển hình;
- Cơn hen thường xẩy ra trong những điều kiện giống nhau: ban đêm, thay đổi thời tiết.
b. Tiếng thở rít
c. Tiền sử có một trong những triệu chứng sau:
- Ho tăng về đêm;
- Tiếng rít tái phát;
- Khó thở tái phát.
d. Thầy thuốc chứng kiến cơn hen phế quản điển hình.
e. Cần nghĩ đến hen nếu bệnh nhân có tình trạng cảm cúm, dẫn đến ho, khó thở lặp đi lặp lại quá 10 ngày, hoặc tình trạng sức khoẻ cải thiện khi cho uống thuốc chống hen.
f. Thăm dò chức năng hô hấp có hội chứng tắc nghẽn thông khí hồi phục được với thuốc giãn phế quản.
2. Chẩn đoán phân biệt
- Trào ngược dạ dầy thực quản, rò thực quản, khí quản;
- Ung thư;
- Hen tim: cơn khó thở xuất hiện đột ngột, thường xẩy ra về đêm, khó thở nhanh, nghe có ran ấm hai bên phổi, có khi ran ấm tăng lên rất nhanh. Cơn thường xẩy ra trên bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch;
- Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, hay gặp ở người lớn tuổi, người già. Có ho, sốt, khạc đờm, có tiền sử viêm phế quản mạn.
3. Chẩn đoán thể bệnh
- Hen ngoại sinh (hen dị ứng). Bệnh hay gặp ở trẻ em và người trẻ, có tiền sử gia đình mắc hen phế quản, có cơ địa dị ứng. Làm test bì da dương tính. LgF xuất hiện trong máu. Điều trị gải mẫn cảm có kết quả tốt, tiên lượng tốt, tử vong rất hiếm;
- Hen nội sinh (hen nhiễm khuẩn). Hay gặp ở người trên 35 tuổi, không di truyền, không có tiền sử gia đình, không có tiền sử bản thân về dị ứng. Cơn hen xẩy ra liên quan đến nhiễm khuẩn, tiên lượng không tốt, biến chứng và tử vong có thể xẩy ra;
- Hen phối hợp (phối hợp giữa hen di ứng và hen nhiễm khuẩn).
- TIẾN TRIỂN, BIẾN CHỨNG
- Bênh biến chuyển ở mỗi người một khác. Do đó khó đoán biết được: có bệnh nhân bị một thời gian rồi khỏi hẳn một thời gian rất lâu, tưởng đã khỏi hẳn, sau đó bệnh lại tái phát. Có bệnh nhân trong một hoặc hai năm lên vài cơn. Có người lên cơn kéo dài, có cơn gặp liên tục trong suốt năm.
- Nhiều biến chứng có thể xẩy ra:
+ Nhiễm khuẩn, viêm phế quản, viêm phổi;
+ Giãn phế quản, phế nang;
+ Lao phổi phối hợp;
+ Tim phổi mạn tính.
- ĐIỀU TRỊ
1/ Nguyên tắc
- Tăng khả năng thông khí;
- Giãn cơ trong phế quản;
- Điều hoà nước và điện giải.
2/ Cụ thể
2.1 Điều trị trong cơn hen
2.1.1 Cơn hen nhẹ
- Theophylin 0,1g viên uống ngày 2-4 viên chia 2 lần;
- Khí dung Ventolin;
- Seduxen 2,5-5mg/24h (ít dùng).
Có thể kết hợp YHCT châm cứu, bấm huyệt.
2.1.2 Cơn hen trung bình
- Nằm cao đầu, hút đờm dãi;
- Thở ô xy qua bình nước, thở hỗn hợp 70-75% qua ống thông;
- Aminophylin 0,24g*1 ồng tiêm tĩnh mạch chậm 5-10 phút (pha loãng 1 ống với 10-20ml dung dịch Glucose 5-10%);
- Adrenalin 1mg*1 ống tiêm bắp hoặc dưới da. Nếu không đỡ 1 giờ sau tiêm nhắc lại;
- Khí dung Ventolin.
2.1.3 Cơn hen nặng hoặc kéo dài liên tục
- Nằm đầu cao, hút đờm dãi, thở ô xy.
Nếu có suy hô hấp nặng phải đặt nội khí quản và thở máy.
- Cocticosteroid Depresolon hoặc Solomedron truyền tĩnh mạch, có thể kết hợp với Aminophylin;
- Điều hoà nước và điện giải qua đường uống và truyền dung dịch glucose 5%, dung dịch Natribocarbonat 14%;
- Nếu không đở phải chuyển lên tuyến trên.
-
- Điều trị ngoài cơn hen và phòng tái phát
- Cơ địa: Thuốc an thần để điều chỉnh thần kinh nên dùng từ liều nhỏ và thận trọng khi dùng: Biromua, Phenobarbital, Meprobanat;
- Dị ứng: Ngăn ngừa nguyên nhân gây dị ứng. Dùng thuốc kháng Hítamin tổng hợp;
- Nội tiết tố: Cho từng đợt các Hormon sinh dục nam hoặc nữ;
- Gai kích thích: chữa các bệnh viêm tai mũi họng, răng hàm mặt.
4. PHÒNG BỆNH:
Ngăn ngừa những cơ hội thuận lợi gây bệnh và đề phòng những cơn hen tái phát:
- Không hút thuốc lào, thuốc lá, tránh các thức ăn hay vật dụng có khả năng gây cơn hen;
- Tránh stress;
- Thay đổi và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho hợp lý;
- Tăng cường thể dục liệu pháp, luyện tập khí công;
- Giữ ấm khi trời lạnh và tìm nơi khí hậu thích hợp.