Viêm phổi thuỳ - Bệnh nội khoa Y học hiện đại

18:00:54 02/04/2023 Lượt xem 93 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

Bệnh học nội khoa Y học hiện đại - Các bệnh thuộc hệ Hô hấp

VIÊM PHỔI THUỲ

  1. ĐẠI CƯƠNG:

Là một viêm nhiễm cấp tính ở phổi, gây đông đặc nhu mô phổi. Bệnh hay gặp ở người lớn có bệnh cảnh điển hình: bắt đầu và kết thúc đột ngột, triệu chứng rầm rộ và diễn biến trong 8-10 ngày. Từ khi có kháng sinh, tiên lượng bệnh viêm phổi thuỳ đã tốt hơn rất nhiều.

Bệnh có thể xẩy ra quanh năm nhưng hay gặp về mùa đông, tác nhân gây bệnh chính là phế cầu khuẩn. Ngoài ra là các loại tụ cầu, liên cầu và virus.

II. TRIỆU CHỨNG

Viêm phổi thuỳ cấp do phế cầu khuẩn diễn biến qua 3 giai đoạn:

1/ Giai đoạn khởi phát

Bệnh bắt đầu đột ngột và các triệu chứng cơn rét run và điểm đau ngực.

  • Cơn rét run: đột ngột bệnh nhân lên cơn rét run, kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ, thân nhiệt tăng cao 39-400C.
  • Điểm đau ngực: Xuất hiện rất sớm, đau vùng dưới vú, khó thở, ho làm đau tăng. Giai đoạn này thường ngắn (một vài giờ, một buổi) rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.

2/ Giai đoạn toàn phát

    1. Triệu chứng chức năng

 + Điểm đau ngực tồn tại 2-3 ngày, sau đó giảm dần

 + Ho: lúc đầu ho khan, về su ho ra đờm, khạc đờm quánh dính, có màu rỉ sắt;

+ Khó thở nhiều, thở nhanh nông, 30-40 lần/phút.

    1. Triệu chứng toàn thân

Sốt: tiếp tục sốt cao 39-400C, nhiệt tuyến hình cao nguyên suốt trong giai đoạn toàn phát. Mạch nhanh song song với nhiệt độ.

    1. Triệu chứng thực thể

Bệnh nhân trong trạng thái đặc biệt: Vẻ mặt bừng bừng, gò má đỏ, có thể có ecpet chung quanh môi.

Khám phổi: Ở vùng bên phổi bị viêm có hội chứng đông đặc, gõ đục, rung thanh tăng, nghe có nhiều ran nổ, về sau nghe thấy ran ít dần và tiếng thổi ống xuất hiện.

    1. Triệu chứng cận lâm sàng

+ Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng cao, có thể tới 18.000 đến 20.000, số bạch cầu đa nhân trung tính 80-90%. Tốc độ máu lắng nhanh.

+ X quang phổi: Thấy một đám mờ đồng đều, hình tam giác, đỉnh quay vào rốn phổi, đáy ở phía ngoài, giói hạn rõ, chiếm một phần thuỳ hoặc một thuỳ.

     3/ Giai đoạn cuối

Bệnh khỏi một cách đột ngột vào ngày thứ 9-10. Các triệu chứng trên giảm nhanh chóng: nhiệt độ hạ dần đến mức bình thường, mạch cũng chậm lại. Bệnh nhân đái nhiều, ra nhiều mồ hôi, cảm thấy dễ chịu, ngủ được. Các triệu chứng lâm sàng về phổi mất dần đi, nhưng hình ảnh X quang tồn tại vài tuần lễ. Bệnh nhân bình phục nhanh chóng.

  1. TIÊN LƯỢNG, BIẾN CHỨNG

+ Trước khi có kháng sinh là một bệnh nặng, có nhiều biến chứng: gan hoá xám, áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, suy tim cấp.

+ Từ khi có kháng sinh, bệnh cảnh lâm sàng đã có thay đổi khá nhiều: diễn biến ngắn hơn, nhẹ hơn, các biến chứng kinh điển không còn gặp nữa.

+ Tuy vậy, vẫn cần phải chú ý khi bệnh xẩy ra ở người cố tuổi, nghiện rượu hoặc có bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, đái đường. Ở người có tuổi, triệu chứng có khi âm thầm, kín đáo, sốt thấp hơn. Song nổi lên là các rối loạn tâm thần hoặc có biểu hiện tim mạch.

  1. ĐIỀU TRỊ
  1. Kháng sinh là thuốc điều trị chủ yếu

Nên dùng kháng sinh phổ rộng. Nếu bệnh tương đối nhẹ, dùng một loại là đủ. Thí dụ: Ampicilline 2g/ngày, tối thiểu trong 1 tuần.

Nếu bệnh hơi nặng hoặc trên cơ địa xấu nên phối hợp 2 kháng sinh: Ampicilline + Tetracylin hoặc Ampicilline + Chloramphenicol, mỗi thứ 2g/ngày.

Nếu bệnh nặng, nghĩ đến do tụ cầu khuẩn gây lên: Cephalosporine + Gentamicin.

  1. Điều trị triệu chứng
  • Hạ sốt, nếu sốt cao: Paracetamon, Seda, Analgin;
  • Giảm ho, long đờm: Natri benzoate 1-2g, cho 4-5g/ngày;
  • An thần: Seduxen;
  • Chống khó thở: nằm đầu cao, thở ô xy;
  • Trợ tim: người già, cơ địa xấu: Uabain, Digitalin.

4. PHÒNG BỆNH:

+ Tích cực chữa các bệnh về tai mũi họng (viêm xoang, viêm amidan…);

+ Giữ vệ sinh mũi họng;

+ Mùa rét mặc ấm, chú ý giữ ấm cổ, ngực, không để bị lạnh đột ngột.

.

 

 

0915.329.743
messenger icon zalo icon