Đại cương về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp chữa bệnh hô hấp bằng Y học cổ truyền

16:51:21 13/03/2023 Lượt xem 78 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền - Các bệnh thuộc hệ Hô hấp

ĐẠI CƯƠNG VỀ NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH

          Các bệnh thuộc hệ hô hấp xẩy ra ở tạng phế (phổi). Phế chủ hô hấp, chủ khí, có tác dụng tuyên phát và túc giáng, khai khiếu ra mũi, chủ về tiếng nói và bên ngoài hợp với bì mao. Về quan hệ với các tạng: tạng tỳ sinh ra phế (thổ sinh kim), phế chủ khí nhưng thận lại nạp khí.

          Bệnh ở phế có 2 loại: thực chứng và hư chứng, do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Thực chứng do phong hàn, phong nhiệt, đàm trọc, nhiệt độc. Hư chứng do phế khí hư, phế âm hư, tỳ hư sinh đàm thấp, thận hư không nạp được phế khí.

          Khi có bệnh ở phế thường xuất hiện các triệu chứng: Sốt, ho, có đờm, khó thở, tức ngực, ho ra máu, tự ra mồ hôi hay ra mồ hôi trộm, ngạt mũi, khản tiếng hay mất tiếng…

          1/ THỰC CHỨNG

    1. Phong hàn:

Gặp ở các bệnh Viêm phế quản, Hen phế quản, Viêm thanh quản…

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Phong hàn phạm phế làm phế khí mất tuyên giáng gây ra ho, khò khè (khí suyễn), đờm trắng, miệng không khát. Mũi là khiếu của phế, gây ra chẩy nước mũi, ngạt mũi, Phong hàn làm mất phế vệ, bì mao nên sinh ra sợ lạnh, phát sốt, rêu lưỡi mỏng, mạch phù do phong hàn phạm vào phần biểu.

Phương pháp chữa: Phát tán phong hàn (tán hàn tuyên phế), ôn phế tán hàn.

Thuốc: Tử tô, Bạch chỉ, Cát cánh…

Bài thuốc: Hạnh tô tán, Chỉ khái tán…

    1. Phong nhiệt:

Gặp ở các bệnh Viêm phế quản cấp, Hen phế quản, Viêm thanh quản, Viêm phổi, Áp xe phổi ở giai đoạn đầu…

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Phong nhiệt phạm phế sinnh ra mất tân dịch, tuyên giáng thường gây ra ho, miệng khát, họng đau.

Do tân dịch bị mất gây ho đờm vàng, miệng khô. Phong nhiệt phạm phế vệ nên thấy sốt, ra mồ hôi, nước mũi đặc, chất lưỡi đỏ, mạch phù sác.

Phương pháp chữa: Phát tán phong nhiệt (thanh nhiệt tuyên phế).

Thuốc: Lá dâu, Bạc hà, Hoa cúc, Kinh giới…

Bài thuốc: Ngân kiều tán, Tang cúc ẩm…

    1. Khí táo:

Gặp ở các bệnh Viêm phế quản, Viêm họng, các bệnh truyền nhiễm…

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Táo thương phế, làm tổn thương tân dịch gây ra ho khan và ho ít đờm và dính, mũi khô, họng khô, táo uất phần phế vệ làm sốt, nhức đầu, người đau mỏi. Vì tân dịch giảm sút nên đầu lưỡi đỏ khô, mạch phù sác.

Phương pháp chữa: Thanh phế nhuận táo

Thuốc: Tử tô, Lá hẹ, Thiên môn, Sa sâm, Mạch môn…

Bài thuốc: Tang cúc ẩm, Thanh táo cứu phế thang…

    1. Đàm:

Có 2 loại: đàm nhiệt và đàm thấp. Gặp ở các bệnh Viêm phế quản mạn tính, áp xe phổi, Viêm thanh quản cấp…

1.4.1 Đàm nhiệt:

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Đàm nhiệt làm phế bị trở ngại mất khả năng tuyên giáng, gây các chứng: ho đờm vàng đặc dính, khó thở, đau ngực.

Nhiệt làm mất tân dịch nên họng khô, rêu lưỡi vàng, Đàm nhiệt gây miệng đắng, mạch hoạt, sác…

Phương pháp chữa: Thanh hoá nhiệt đờm và nhuận táo hoá đờm (tuyên phế hoá đàm nhiệt, thanh phế hoá đờm).

Thuốc: Qua lâu, Rễ dâu tằm, Đình lịch tử, Tỳ bà diệp, Tiền hồ, Hạnh nhân, Bách bộ, Bối mẫu…

Bài thuốc: Nhị trần thang thêm Bối mẫu, Tri mẫu, Tiểu hãm hung thang, Đình lịch tử, Đại táo tả phế thang, Nhuận phế thang, Tư âm thanh phế thang, Bách hợp cố kim thang, Bối mẫu qua lâu thang…

1.4.2 Đàm thấp:

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Đàm thấp làm phế khí không tuyên giáng, gây tức ngực, ho hen suyễn, đờm dễ khạc. Đờm làm vệ khí nghịch gây nôn, lợm giọng, rêu lưỡi dính. Mạch hoạt là do đàm thấp bên trong.

Phương pháp chữa: Táo thấp hoá đàm, ôn hoá thấp đàm

Thuốc: Hạt cải trắng, Bán hạ, Trần bì, Bạch tiền, Cát cánh…. 

Bài thuốc: Nhị trần thang, Lục quân tử thang, Lý trung hoá đờm hoàn.

2/ HƯ CHỨNG

2.1 Phế khí hư

Gặp ở bệnh hen phế quản mạn tính, giãn phế nang, tâm phế mạn

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Phế chủ về hô hấp, nên phế khí hư gây ho suyễn, thở gấp, tiếng nói nhỏ, càng vận động, triệu chứng càng tăng… Phế hợp với da, lông, phế hư nên vệ khí không chặt chẽ hay tự ra mồ hôi. Khí hư thì huyết hư, da mặt không vinh nhuận làm sắc mặt trắng bệch. Khi suy gây chứng mệt mỏi vô lực, lưỡi đạu, mạch hư nhược.

Phương pháp chữa: Bổ ích phế khí

Thuốc: Đảng sâm, Bạch truật, Hoàng kỳ …. 

Bài thuốc: Bảo nguyên thang, Bổ trung ích khí, Ngọc bỉnh phong tán, Quế chi gia Hoàng kỳ thang…

2.2 Phế âm hư

Gặp ở bệnh Hen phế quản, Viêm phế quản mạn tính, Lao phổi, Thời kỳ hồi phục của bệnh viêm phổi, do lao, Viêm thanh quản mạn…

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Phế âm hư tân dịch bị giảm gây ho không có đờm, đờm ít dính, ngứa họng, tiếng nói khàn, mạch nhỏ, chất lưỡi đỏ, ít rêu.

Nếu âm hư nhiều, khí hư hoả bốc lên và tân dịch kém gây chứng sốt về chiều, hai gò má đỏ, khát nước, trong đờm có máu, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác

Phương pháp chữa: Tư dưỡng phế âm, tư âm giáng hoả

Thuốc: Sinh địa, Huyền sâm, Địa cốt bì, Ngọc trúc, Đan bì, Bách hợp…. 

Bài thuốc: Thanh táo cứu phế thang, Bách hợp cố kim thang, Lục vị hoàn, Tả quy ẩm…

2.3 Phế tỳ đều hư

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Phế hư mất chức năng tuyên giáng, tỳ hư vận hoá thuỷ cốc dở dang sinh ra đàm xuất hiện chứng ho lâu ngày gây đờm nhiều dễ khạc. Tỳ khí hư vận hoá thất thường gây kém ăn, bụng đầy, ỉa lỏng. Khí hư gây mệt mỏi vô lực, thuỷ thấp đình trệ gây phù, rêu lưỡi trắng, chất luỡi đạm, mạch tế nhược.

Phương pháp chữa: Kiện tỳ ích phế

Thuốc: Đảng sâm, Phục linh, Ý dĩ, Bạch truật.

Bài thuốc: Sâm linh bạch truật tán, Bổ trung ích khí thang.

2.4 Phế thận âm hư

Gặp ở người hen phế quản mạn, lao phổi, viêm phế quản mạn….

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Giống như phế âm hư, kèm theo chứng thận âm hư. Về thận âm hư như đau lưng, di tinh, nhức trong xương…

Phương pháp chữa: Tư bổ phế thận

Bài thuốc: Bát tiên trường thọ thang.

2.5 Phế thận dương hư

Cơ chế sinh bệnh và triệu chứng: Giống như phế khí hư, kèm theo chứng thận dương hư: đau lưng, mỏi gối, liệt dương, tay chân lạnh, sợ lạnh, tiểu tiện nhiều lần. Mạch trầm tế nhược.

Phương pháp chữa: Ôn thận nạp khí, bổ phế khí

Thuốc: Phụ tử chế, Nhục quế, Đảng sâm, Hoàng kỳ…

Bài thuốc: Hữu quy ẩm gia giảm, Bát vị quế phụ gia giảm…

3/ CÁCH CHỮA MỘT SỐ BỆNH THUỘC HỆ HÔ HẤP

3.1 Ho

Ho do 2 loại nguyên nhân gây ra: (i) Ngoại cảm (phong hàn, phong nhiệt, khí táo); (ii) Nội thương (tỳ hư đàm thấp, phế thận âm hư, thận dương hư).

Phương pháp chữa:

  • Ôn phế chỉ khái: chữa ho hàn do ngoại cảm phong hàn, tỳ hư sinh đàm thấp và thận dương hư gây ra, gồm các thuốc: Hạnh nhân, Cát cánh, Tô tử, Bạch giới tử…
  • Thanh phế chỉ khái: Chữa ho nhiệt do ngoại cảm phong nhiệt, đàm nhiệt, phế nhiệt…gây ra, gồm các thuốc: Tỳ bà diệp, Tang bạch bì, Tiền hồ…;
  • Nhuận phế chỉ khái: Chữa ho do tân dịch giảm, khí táo (táo nhiệt) phế âm hư…gây ra, gồm các thuốc: Mạch môn, Thiên môn, Địa cốt bì, Thiên trúc hoàng…

3.2 Ho ra máu

Do nhiều nguyên nhân gây ra như phong nhiệt, huyết ứ, phế âm hư…

Phải tuỳ nguyên nhân đề ra phương pháp chữa kèm với các thuốc cầm máu do hàn, nhiệt, ứ huyết….

  • Thanh nhiệt chỉ huyết, lương huyết chỉ huyết: Hoa hoè, Trắc bách diệp, Cỏ nhọ nồi, Rễ cỏ tranh, Quả dành dành sao đen…chữa chứng ho ra máu có sốt;
  • Khứ ứ chỉ huyết: Bạch cập, Ngẫu tiết, Tam thất, Bồ hoàng sao đen…chữa chứng ho ra máu do huyết ứ;
  • Ôn sinh chỉ huyết: Ngải cứu, Tam thất, Gừng khô…chữa chứng ho ra máu do hàn.

3.3 Khó thở tức ngực

Chữa nguyên nhân kết hợp với các thuốc hành khí khoan hung: Chỉ xác, Thanh bì.

3.4 Ra mồ hôi

Chia làm hai loại: Tự ra mồ hôi (tự hãn), ra mồ hôi trộm (đạo hãn).

3.4.1 Tự ra mồ hôi: Thường do vệ khí hư. Khí hư dùng phương pháp cố biểu liễm hãn. Các thuốc bổ khí như Hoàng kỳ, Bạch truật, thêm các thuốc cầm mồ hôi: Tiểu mạch, Ngũ vị tử…

3.4.2 Ra mồ hôi trộm: Thường do phế âm hư. Phế thận âm hư dùng phương pháp tư âm liễm hãn. Các thuốc bổ âm như Thục địa, Quy bản, Sa sâm, Mạch môn…, thêm các thuốc cầm mồ hôi như Ngũ vị tử, Long cốt, Mẫu lệ….

3.5 Đau ngực:

Gặp ở bệnh Viêm màng phổi, Viêm phổi, Áp xe phổi. Đa số do ứ huyết với khí trệ. Phương pháp chữa là hoạt huyết, hành khí. Các thuốc như Uất kim, Diên hồ sách, Đan sâm, Chỉ xác, Hương phụ…

 

🌹 Cùng với những thành tựu rực rỡ của y học hiện đại, những bài thuốc cổ phương vẫn là những viên ngọc quý, là kho báu của nhân loại. Nó đã được kiểm nghiệm và chứng minh tính hiệu quả qua hàng nghìn năm lịch sử, đôi khi là kỳ diệu.

Nhà thuốc đông y gia truyền An Khang đường đã gia giảm từ những bài thuốc đông y cổ truyền điều trị khá hiệu quả cho nhiều bệnh nhân ở Hải Phòng, Hải Dương và nhiều địa phương khác.

Nguồn dược liệu sạch được chọn lọc, bào chế và bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn dược điển Việt Nam.

#ho #tucnguci
#hoảmaui #viemphequan
#gianphequan #viemphoi
#phuongthuoccotruyen
#dongyhaiphong
#thuocbachaiphong
#thuocnamhaiphong
#dongygiatruyenankhangduong

https://phuongthuoccotruyen.com

0915.329.743
messenger icon zalo icon